Báo Tuổi trẻ: THPT Vân Tảo với luật rừng

Báo tuổi trẻ ngày 29-1-2013 phản ánh 1 phần tình hình đuổi học ở trường THPT Vân tảo.
Mức độ còn nghiêm trọng hơn nhiều những gì mà báo đã đăng.
-Trong năm học 2007-2008, đã đuổi học trên 100 hs.( Lê Xuân Trung thừa nhận khi trả lời phỏng vấn báo Vnexpress). Cuối năm có 73 hs bỏ học. 
- Tát nhau ngoài đường 1 cái, đuổi học 1 năm (Đỗ V Huy lớp 10E tát Nguyễn V Triển lớp 10A)
- Không hát quốc ca  đình chỉ 1 tuần (vì đau họng) ( Nguyễn Ngọc Tuấn)
- 5 hs chơi  ăn tiền (với cả thảy 65 ngìn đ) đình chỉ 1 năm. Lớp 10A4
- Nguyễn V Đạt lớp 12A10 bị đình chỉ 3 ngày, hạ hạnh kiểm vì mang máy ảnh mini vào chụp lớp ngày khai giảng 4-9-2010.
- Vượt tường về nhà cứu mẹ bị suy tim: Đình chỉ 1 năm.2 anh em sinh đôi.
- Đuổi nhau ngã làm vỡ thùng rác: phạt tiền gấp đôi rồi đuổ học 1 năm với Nguyễn Hồng Thắng và bạn.
- Vô số án đình chỉ học 40 ngày (Thêm 5 ngày nghỉ có hay không phép nữa là đủ lưu ban)
- Vô số hs bị đuổi học 1 năm vì đánh nhau.
- 7h30 vào lớp thì 7h25 đóng cổng, đuổi học cả buổi với hàng ngàn lượt hs mỗi năm.
- Cắt phá dép hàng chục đôi với hs nào đi dép lê. Phạt gấp 4-5 lần giá trị nếu làm vỡ kính, làm vỡ thùng rác...Cá biệt: hs lớp 1 A6 bị phạt 1,6 triệu đ- gáp đôi giá bàn- vì có 1 bàn bị hs viết bút xóa lên mặt bàn.
Trả lời người tố cáo, chánh thanh tra sở GD ĐT HN  khi thì trả lời: Hiệu trưởng có quyền như thế, khi thì: trường làm hơi nặng vì đã có hs đâm chết bạn, khi thì chối bay biến. Mọi đơn từ của phụ huynh gửi sở, đều không được trả lời.


Kỳ 1: Kỷ luật học sinh, mỗi nơi mỗi kiểu
VĨNH HÀ - HỒ NGỌC | 29/01/2013 07:37 (GMT + 7)
TT - Hiệu trưởng, nhân danh hội đồng kỷ luật, có quyền đình chỉ học tập một năm đối với học sinh, đây là mức kỷ luật nặng nhất trong trường phổ thông.

Nhưng kiểm soát của các cấp quản lý với việc thực thi của hiệu trưởng hiện nay lại quá lỏng lẻo, khiến việc kỷ luật học sinh có lúc bị lạm dụng...

Đình chỉ học
Câu chuyện học sinh bị đình chỉ học không còn xa lạ với người dân ở Vân Tảo, Thường Tín, Hà Nội khi từ năm 2007 đến nay, năm nào cũng có hàng loạt học sinh Trường THPT Vân Tảo bị lãnh đạo nhà trường ký quyết định đình chỉ học từ một tuần đến một năm với những lỗi hoàn toàn có thể giáo dục được trong nhà trường. Một số học sinh sau khi bị đình chỉ học đã phải xin chuyển trường hoặc bỏ học vĩnh viễn.
“Chỉ trong học kỳ 1 (năm học 2012-2013) đã có gần 40 lượt học sinh bị nhà trường đưa vào diện phải xử lý kỷ luật, trong đó nhiều trường hợp bị đình chỉ học” - một thầy giáo ở Trường Vân Tảo cho biết.
Tìm đến nhà một học sinh vừa có quyết định đình chỉ học một năm là em Bùi Văn N., cựu học sinh lớp 12A4 Trường THPT Vân Tảo, mẹ N. khóc cho biết: “Anh trai nó nghiện ma túy, cả gia đình tôi hi vọng vào đứa con trai thứ hai. Giờ cháu bị đình chỉ học, chúng tôi lo thắt ruột, chỉ sợ chưa kịp đi học trở lại vào năm học tới, cháu lại đi theo con đường của thằng anh!” Điều kỳ lạ là gia đình không hề được trường mời tới làm việc về vi phạm của em N.. Còn N. cho biết “hiện tại em thấy rất lo lắng khi trước mắt là những tháng ngày dông dài không biết đi đâu, làm gì!”. Quyết định đình chỉ học một năm của N. được ký từ ngày 24-12-2012 ghi em N. mắc hai lỗi “sử dụng điện thoại trong giờ học và vô lễ với thầy giáo”.
Trao đổi với chúng tôi, thầy Nguyễn Văn Biên, giáo viên thể dục của lớp em N., kể: “Hôm đó vì em N. không mặc đồng phục nên tôi đã đề nghị em ngồi sang một góc riêng trên sân mà không cho em học. Bất mãn với việc này, N. đã văng tục trước mặt cả lớp!”. Tuy nhiên thầy Biên cũng cho biết: “Tôi không được tham gia cũng như không biết hội đồng kỷ luật N. họp vào lúc nào. Sau khi em N. bị đình chỉ học, tôi mới biết”.
Còn cô Nguyễn Thị Hoa, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A4, xác nhận sự việc đối với em N. và cho biết: “Ở Trường Vân Tảo, việc kỷ luật học sinh có nguyên tắc riêng, chỉ có biên bản kỷ luật chứ không bao giờ có học sinh vi phạm được mời tham dự cuộc họp của hội đồng kỷ luật”.
Bạn học cùng lớp với N. cho biết năm học trước có bốn em nữ cũng bị đình chỉ học một năm vì lỗi “đánh nhau”. Trong đó chỉ ba em trở lại trường sau thời hạn kỷ luật. Lần giở lại “truyền thống” đình chỉ học tập của học sinh Trường Vân Tảo, chúng tôi nhận thấy các trường hợp bị kỷ luật đều rất chóng vánh, không theo quy trình mời cha mẹ học sinh tới cùng phối hợp phân tích, khuyên bảo, tìm kiếm biện pháp giáo dục phù hợp với các em.
Một số học sinh khác ở Vân Tảo đuổi đánh nhau trong trường, xô đổ thùng rác bị vỡ, trả lời thiếu lễ độ với thầy giáo, trèo tường trốn tiết... đều phải nhận quyết định buộc đình chỉ học từ một tuần đến  một năm, trong đó có em mới phạm lỗi lần đầu. Còn có những học sinh bị đình chỉ học vì lỗi “mang máy ảnh đến trường trong lễ khai giảng”, “nghịch cầu dao điện”, “vuốt keo lên tóc”, hoặc “không hát quốc ca”, “để chân lên ghế”. Có thời điểm một lớp học có tới 12 học sinh bị đình chỉ học tập một tuần, một tháng hoặc một năm. “Vào lớp cũng thấy hoang mang khi cô chủ nhiệm gửi tới danh sách chín học sinh bị đình chỉ học trong một ngày vì những lỗi không nghiêm trọng” - một giáo viên Trường Vân Tảo chia sẻ.
Trong một cuộc trả lời báo chí về biện pháp giáo dục của nhà trường khi bắt đầu áp dụng “kỷ luật thép” - ông Lê Xuân Trung, hiệu trưởng Trường THPT Vân Tảo, khẳng định quan điểm của mình nhằm chấn chỉnh nề nếp. Nhưng ông Trung cũng thẳng thắn cho rằng những học sinh bị đình chỉ một tuần, một tháng không theo kịp bài phải lưu ban là trách nhiệm của các em, nhà trường không thể chạy theo các em được. Và vì nhà trường quản lý học sinh trong giờ hành chính nên ông không muốn bình luận về trách nhiệm trong việc học sinh phải nghỉ học đi lang thang.
Nặng nề
Không chỉ ở Vân Tảo, Trường THPT Mỹ Đức C, Hà Nội năm 2010 cũng đình chỉ học 11 học sinh chỉ vì hành vi “đái bậy”. Trường THPT chuyên Hạ Long, Quảng Ninh, cuối năm 2012 có ba học sinh chuyên bị đình chỉ học, trong đó có một nữ sinh vì nhận được thông tin “thách đấu” của bạn, nhưng không báo cho cô giáo chủ nhiệm mà chuyển thẳng cho học sinh được thách đấu. Mặc dù cuộc xô xát xảy ra gây trọng thương cho nhiều học sinh nhưng mức kỷ luật đối với nữ sinh có hành vi “chuyển giấy thách đấu” quá nặng nề đối với em này và gia đình.
Nhiều trường hợp học sinh mắc lỗi nặng nề và bị kỷ luật như nữ sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Đông, Hà Nội vì “làm nhục bạn” năm học trước, hay mới đây là vụ em học sinh nói xấu thầy cô trên Facebook ở Tam Kỳ, Quảng Nam cũng gây ra tranh luận nhiều chiều, trong đó không ít ý kiến cho rằng không nên đình chỉ việc học.
Tại Hà Nội, một số trường hợp học sinh mắc lỗi đã được “gợi ý chuyển trường”. Một phụ huynh có con học lớp 9 ở huyện Từ Liêm, Hà Nội cho biết: “Tôi được gợi ý chuyển trường cho con, vì nếu không con tôi sẽ rơi vào diện bị đuổi học”. Theo thầy Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, mỗi năm học có 15-20 học sinh từ nơi khác chuyển về trường này. Trong đó nhiều học sinh rơi vào cảnh “bị đuổi ở nơi khác hoặc do mắc quá nhiều lỗi nên được trường cũ gợi ý chuyển trường”.
“Căng thẳng và bối rối”
Thầy Nguyễn Đình Thịnh - hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám (TP.HCM) - cho biết “chưa bao giờ áp dụng đình chỉ  học một năm đối với học sinh”. Những trường hợp phạm lỗi nặng như đánh nhau, mang hung khí vào trường... sẽ bị đình chỉ học từ ba ngày đến một tuần. “Bị đình chỉ học nhưng học sinh vẫn phải đến trường - thầy Thịnh nói - Các em ngồi ở phòng giám thị và học bài, chép bài đầy đủ vì không học các em sẽ không theo kịp”. Tại trường này, thầy Thịnh cho biết có học sinh “phá cơ sở vật chất” bị phạt lao động như lau tường, cạo bã kẹo cao su...
Trong khi đó, hiệu trưởng một trường THPT tại Q.10, TP.HCM kể năm 2009 một học sinh của trường mắc lỗi đánh nhau trong trường hai lần. “Tôi cũng định đình chỉ học một năm“ - thầy hiệu trưởng này cho biết. Theo ông, lúc đó nếu áp dụng đình chỉ học một năm cũng đúng với thông tư 08. “Lúc đó tôi rất căng thẳng và bối rối. Mình không áp dụng thì không nghiêm, mà đình chỉ học một năm thì tiêu đời học sinh. Cuối cùng, tôi chọn cách đình chỉ học học sinh một tuần và bây giờ nghĩ lại tôi thấy mình làm đúng. Cuối năm họp xóa án kỷ luật, em này đã ngoan ngoãn hơn và học rất tốt”.
Cô Vân Anh - giáo viên Trường THPT Phan Đăng Lưu (TP.HCM) - cho biết việc kỷ luật học sinh ở trường chủ yếu là viết bản kiểm điểm, nhắc nhở học sinh. Với những trường hợp vi phạm nặng như đánh nhau, trường chỉ đình chỉ học từ ba ngày đến một tuần, chứ chưa áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất là đình chỉ học một năm...
HÀ BÌNH
(còn tiếp)
http://tuoitre.vn/Giao-duc/532222/ky-1-ky-luat-hoc-sinh-moi-noi-moi-kieu.htm


Nên bỏ quy định đuổi học

VĨNH HÀ - HỒ NGỌC - HÀ BÌNH | 30/01/2013 08:45 (GMT + 7)
TT - Một cơ hội để sửa chữa, một cơ hội để yêu thương và nhận lấy yêu thương, một cơ hội để được tha thứ..., đó là những gì các em học sinh nên được nhận

Hiện nay các nhà trường đều áp dụng việc kỷ luật học sinh dựa vào thông tư 08 ban hành tháng 3-1988. Sau này, trong điều lệ trường trung học cũng có quy định về kỷ luật học sinh nhưng vẫn bám vào thông tư 08. Theo thông tư này thì các mức kỷ luật học sinh gồm có khiển trách trước lớp, khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường, cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học 1 tuần và đuổi học 1 năm.
Nhiều thầy cô giáo, nhà quản lý giáo dục bày tỏ quan điểm nên sửa quy định kỷ luật theo hướng bỏ mức “đuổi học” mà thay thế bằng hình thức khác.
“Đuổi học là thô bạo”
Không thấy nghiên cứu biện pháp kỷ luật tích cực
Rất nhiều công trình nghiên cứu tập trung vào việc nâng cao chất lượng dạy học, trong đó mới chỉ loay hoay với việc “dạy chữ”. Gần như không thấy những nghiên cứu bài bản về việc giáo dục đạo đức học sinh, biện pháp kỷ luật tích cực đối với học sinh. Có lẽ trong thời gian tới, chúng tôi cũng cần thay đổi hướng lựa chọn đề tài để bổ sung vào khiếm khuyết này.
PGS Phan Trọng Ngọ
(viện trưởng Viện nghiên cứu sư phạm ĐH Sư phạm Hà Nội)
Các mức kỷ luật trên đều quy định khá chung. Vì thế mỗi nhà trường cần có bộ quy định xử lý kỷ luật riêng cùng các biện pháp giáo dục đi kèm với hình phạt. Tuy nhiên, trên thực tế, rất ít trường quan tâm tới việc này một cách thấu đáo. Có một số trường đã vận dụng quy định “đuổi học” vội vã.
“Trừ những học sinh nghiện ma túy, mắc tội hình sự, còn những sai phạm khác đuổi học là thô bạo. Vì đuổi học sinh thì các em đi đâu? Ai sẽ tiếp tục giáo dục? Ai có trách nhiệm với những hành vi sai phạm của các em này sau khi bị đuổi học?” - ông Phan Trọng Ngọ, viện trưởng Viện nghiên cứu sư phạm ĐH Sư phạm Hà Nội, đặt vấn đề.
Theo thầy Nguyễn Tùng Lâm - hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, có những lớp có tới 50% học sinh cha mẹ ly tán hoặc phải sống xa cha mẹ. Nếu đuổi học, nếu chỉ áp dụng những chế tài lạnh lùng, cứng nhắc mà không tìm hiểu hoàn cảnh, nguyên nhân khiến học sinh mắc lỗi thì các em sẽ không phục, không thay đổi. “Trả về gia đình, trả về địa phương là cách làm phủi sạch trách nhiệm” - thầy Lâm nhận xét.
ThS Hà Hữu Thạch - hiệu trưởng Trường THPT Giồng Ông Tố (Q.2, TP.HCM) - cho rằng khi một học sinh bị đuổi học là nhà trường đã không thành công trong việc giáo dục. Ông Thạch nói vào đầu năm học, trường sẽ phổ biến những điều học sinh cần lưu ý để tránh bị kỷ luật. Trường cũng giải thích những từ ngữ trong thông tư 08 như “phạm lỗi có hệ thống” là như thế nào cho học sinh hiểu. “Trường vẫn áp dụng thông tư 08 về kỷ luật học sinh ban hành năm 1988 của Bộ GD-ĐT. Việc xử lý kỷ luật học sinh là do trường vận dụng theo hướng uốn nắn, giáo dục các em. Trường chưa bao giờ áp dụng hình thức đuổi học một năm với học sinh, nhưng tôi nghĩ rằng điều này vẫn cần thiết với những học trò phạm lỗi nặng, nhiều lần và cần có sự hỗ trợ giáo dục của gia đình, địa phương” - thầy Thạch nói.
Trong khi đó, thầy Nguyễn Đình Thịnh - hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) - cho rằng nên viết lại thông tư cho phù hợp hơn. “Giáo dục là một sự kiên trì - thầy Thịnh đưa ra quan điểm - Nhà trường như một xã hội thu nhỏ nên việc học sinh mắc lỗi này lỗi kia là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu xem học trò như con, những người ở trường là cha mẹ thì dù con lỗi lầm gì đi chăng nữa cha mẹ cũng không thể từ con. Đó là chưa kể cứ mười em phạm vào lỗi bị đuổi học thì chín em có hoàn cảnh gia đình đặc biệt. Để các em ở nhà một năm, các em sẽ làm gì, đi đâu và năm sau vào trường các em có học được nữa hay không?”. Thầy Nguyễn Minh Triết - hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (Hóc Môn, TP.HCM) - cũng cho rằng không nên quá cứng nhắc trong xử lý kỷ luật học sinh, đặc biệt là với những lỗi phải đuổi học. Theo thầy Triết, “cần quy định lại việc xử lý kỷ luật học sinh cho phù hợp hơn”.
Có nhiều cách kỷ luật tích cực, nhẹ nhàng hơn
Cô Hà Thanh, phó hiệu trưởng phụ trách đạo đức Trường THPT Trương Định, Hà Nội, nhận xét: học sinh phạm lỗi nặng phải ra hội đồng kỷ luật nhà trường không nhiều, trong khi học sinh phạm lỗi nhẹ hơn thì phổ biến nhưng lại không có chế tài xử lý. Cô Thanh ví dụ việc học sinh nói xấu thầy cô không phải hi hữu, nhưng chỉ thành to chuyện khi được tung lên mạng như trường hợp em học sinh ở Quảng Nam. Tuy nhiên, không phải cứ chờ đến khi các em đưa lên mạng mới xử lý theo kiểu cực đoan là đuổi học mà cần có biện pháp linh hoạt, mềm dẻo và kiên trì trong cả quá trình, từ khi các em mới chỉ mắc lỗi nhỏ.
Theo cô Hà Thanh, Trường Trương Định đang duy trì rất nhiều hình thức kỷ luật học sinh như cho học sinh mắc lỗi quét sân trường, chăm sóc vườn trường, cạo bã kẹo cao su bám ở hành lang, hoặc tham gia một đợt lao động trong dịp nghỉ hè...“Có hôm thấy các em quét sân trường không đúng cách, tôi trực tiếp hướng dẫn. Cách phạt học sinh như thế vừa để các em hiểu cần phải trả giá cho việc làm sai của mình nhưng cũng không khiến các em thấy bị tổn thương, bị dồn đến đường cùng. Đã có em làm được bài văn rất xúc động từ chính đợt “phạt lao động” của mình” - cô Hà Thanh chia sẻ
Cô Đặng Ngọc Trâm, phó hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, cho biết: “Có em học sinh nổi tiếng quậy phá, vô kỷ luật của Trường Đinh Tiên Hoàng đã được giáo viên chủ nhiệm “phạt” bằng cách cử em làm “sao đỏ” với vai trò kiểm tra, nhắc nhở kỷ luật các bạn. Chỉ một thời gian sau em học sinh này không những không quậy phá mà thay đổi rất nhiều về thái độ học tập, nề nếp”.
Ứng xử của thầy chính là cách giáo dục trò
Trường THPT Phan Huy Chú là một trong số rất ít trường trung học tại Hà Nội duy trì việc để học sinh đánh giá giáo viên trong 10 năm qua. Bộ câu hỏi cho học sinh được thay đổi từng năm, cặn kẽ từ cách dạy của giáo viên, phong cách, ứng xử như thế nào, điều gì các em mong muốn ở thầy, cô của mình, điều gì khiến các em thất vọng. Cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng nhà trường, cho chúng tôi xem nhiều tập nhận xét của học sinh đã được giữ bí mật danh tính cho tới khi các em ra trường. Trong phiếu, nhiều học sinh đã khá thẳng thắn nhưng không vô lễ, hỗn hào. “Đây là một kênh để giáo viên tự điều chỉnh bản thân, cũng là kênh để hiểu học trò. Bởi tôi nghĩ đối xử của học trò như thế nào cũng tùy thuộc thầy cô. Đừng vội lên án học sinh hỗn láo và đuổi các em ra khỏi trường mà cần bình tĩnh. Sự tha thứ, độ lượng và gương mẫu của người lớn là động lực để trẻ con thay đổi” - cô Nhiếp cho biết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét