Thầy dạy hay 'thợ dạy'

Bài hay trên Tuần Vietnamnet
Nói như PGS Võ Văn Sen: "Bây giờ mà các trường công chỉ cần ngồi lại với nhau không cho giảng viên đi dạy các trường dân lập thì các trường này lập tức khủng hoảng liền".
Tuần Việt Nam vừa có bài viết của TS. Dương Xuân Thành với tựa đề "Giảng viên đại học kiểu... gà đồi!"[1]. Tác giả đã nêu lên thực trạng về chất lượng giảng viên trong các trường ĐH ở Việt Nam. Mong muốn góp thêm tiếng nói nhằm chấn chỉnh, nâng cao chất lượng đào tạo, xin đề cập đến một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giảm chất lượng giảng viên.
Hệ lụy của việc mở trường ồ ạt
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và đào tạo[2], số lượng các trường ĐH trong và ngoài công lập của nước ta gia tăng theo các năm thể hiện trong bảng sau (không bao gồm 28 trường ĐH/ học viện khối an ninh và quốc phòng):
Số trường ĐH/ học viện
Năm học
2000-2001
2004-2005
2009-2010
2011-2012
Hiện tại[3]
Công lập
57
71
127
150
176
Ngoài công lập
17
22
46
54
58
Tổng cộng
74
93
173
204
234

Từ năm 2000 đến nay, số lượng các trường ĐH/ học viện tăng thêm 160 trường. Như vậy, trung bình mỗi tháng có một trường ĐH được thành lập, nâng cấp. Có lẽ, không có một quốc gia nào trên thế giới có tỷ lệ thành lập trường ĐH "nhanh và mạnh mẽ" như ở nước ta.
Cũng theo thống kê của Bộ GD& ĐT, số lượng giảng viên và sinh viên của của các trường gia tăng theo từng năm, cụ thể:
Số lượng giảng viên/
sinh viên
Năm học
2000-2001
2004-2005
2009-2010
2011-2012
Giảng viên
24.362
33.969
45.961
59.672
Giáo sư
310
413
-
286(*)
Phó GS
1.131
1.838
-
2.009(*)
Tiến sỹ
4.454
5.977
6.448
8.519
Thạc sỹ
5.477
11.460
19.856
27.594
Sinh viên
731.505
1.046.291
1.358.861
1.448.021
Công lập
642.041
933.352
1.185.253
1.258.785
Ngoài công lập
89.464
112.939
173.608
198.236

(-): Không có số liệu thống kê theo [2];
(*): Số liệu công bố tại Hội nghị GDĐH năm 2013.
Mặc dù đội ngũ giảng viên ĐH tăng nhanh, nhưng liệu chất lượng có được đảm bảo?
Nhìn vào bảng thống kê số lượng giảng viên ĐH, đến hết năm học 2011-2012, số lượng GS giảm 7,7%; số lượng Phó GS tăng 77,6%; số lượng tiến sỹ tăng 91,2%; số lượng thạc sỹ tăng 403,8%; và số lượng giảng viên có trình độ ĐH và tương đương tăng 63,7% so với năm học 2000-2001.
Có thể thấy, tỷ lệ tăng các giảng viên ĐH trình độ tiến sỹ và có học hàm thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tăng trưởng các trường ĐH, chưa kể số lượng GS còn giảm so với năm học 2000-2001.
Mặc dù số lượng giảng viên tăng nhanh, nhưng tỷ lệ sinh viên/ giảng viên của các trường ĐH ở nước ta vẫn cao. Trung bình 30 sinh viên/ giảng viên. Tỷ lệ này cao hơn gần bốn lần so với tỷ lệ chuẩn của thế giới. Do đó, áp lực về khối lượng giảng dạy của giảng viên ĐH các trường khá cao, chiếm chủ yếu hoạt động chuyên môn của họ.
Đã là giảng viên ĐH, một trong những yêu cầu là phải: "Nghiên cứu, phát triển ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ, bảo đảm chất lượng đào tạo" (khoản 2, điều 55, Luật GDĐH 2012). Tuy nhiên, đối với các giảng viên trẻ, công tác nghiên cứu khoa học là một việc làm "xa xỉ". Những giảng viên ĐH này chỉ biết đi dạy học theo bài giảng, giáo trình đã có sẵn theo kiểu "cơm chấm cơm" hay "thầy đọc, trò chép".
Áp lực về khối lượng giờ dạy khiến họ không còn thời gian nghiên cứu, cập nhật kiến thức và nội dung dạy học trở nên một lối mòn. Nghiễm nhiên, họ không còn là "thầy dạy" nữa mà trở thành những người "thợ dạy". Và, họ chính là những giảng viên "đại học... gà đồi" mà TS Dương Xuân Thành đề cập trong bài viết nêu trên.
Giáo dục VN, thầy giáo, sư phạm, bằng cấp, tiến sĩ, đại học
Tỷ lệ tăng giảng viên ĐH trình độ tiến sỹ thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tăng trưởng các trường ĐH
Vì sao "thợ dạy"?
GS Phùng Hồ Hải (Viện Toán học) nói: "Muốn có người học giỏi thì phải có thầy giỏi, muốn có thầy giỏi thì thầy của thầy phải giỏi"[4]. Rõ ràng, những "thợ dạy" trong trường ĐH hay các giảng viên "đại học... gà đồi" không đáp ứng yêu cầu của xã hội về chất lượng giảng viên ĐH, và họ không phải là người thầy giỏi.
Vậy, thực chất giảng viên ĐH được tuyển dụng không đáp ứng yêu cầu để trở thành "thầy dạy", hay vì nguyên nhân nào khác khiến họ phải trở thành "thợ dạy"? Từ thực trạng hoạt động giảng dạy của một số trường ĐH, có thể nêu ra một số nguyên nhân để trả lời câu hỏi trên.
Khối lượng giảng dạy quá nhiều: Theo GS Phùng Hồ Hải, các giảng viên ĐH dạy trung bình 300 tiết/ học kỳ, tương đương với 20 tiết/ tuần[4]. Theo quy chế về chế độ làm việc của giảng viên ĐH, mỗi giảng viên làm việc 40 giờ/ tuần. Tuy nhiên, với thời lượng giảng dạy là 20 tiết/ tuần và trung bình một tiết dạy (50 phút) kèm ba giờ chuẩn bị thì mỗi giảng viên phải làm việc khoảng 76 giờ/ tuần.
Thực tế, khối lượng giảng dạy của giảng viên nhiều trường ĐH cao hơn con số 300 tiết/ học kỳ nhiều lắm. Ngay tại trường ĐH của người viết bài, các giảng viên đảm nhận khối lượng 500 ÷ 700 tiết/ học kỳ là rất bình thường, thậm chí có những giảng viên đảm nhận hơn 1.000 tiết/ học kỳ.
Với khối lượng giảng dạy quá nhiều như thế, có lẽ việc duy trì sức khỏe để hoàn thành công tác giảng dạy đã là điều quá tốt, chưa nói đến việc nâng cao chất lượng bài giảng. Vì vậy, các giảng viên sẽ tìm mọi cách để giảm thời gian dạy cho một lớp bằng cách "lược giản" hóa bài giảng và tận dụng thời gian nghỉ giữa các tiết.
Và chính những điều này đã tạo ra một lối mòn trong tư duy và giảng dạy, biến họ thành "thợ dạy".
Xã hội hóa GDĐH- thừa trường, thiếu thầy: Theo bảng thống kê trên, trong vòng hơn 10 năm, trung bình mỗi tháng nước ta thành lập một trường ĐH. Có lẽ, hiếm có một quốc gia nào mà sự... hiếu học ĐH lại ghê gớm đến thế. Sự thành lập, nâng cấp quá nhiều các trường ĐH (đặc biệt là các trường ngoài công lập), dẫn đến việc cào bằng trong công tác giảng dạy ĐH.
Sự phát triển rầm rộ các trường ĐH ngoài công lập dẫn đến tình trạng thiếu thầy nghiêm trọng trong các trường này. Bắt buộc, họ phải mời giảng viên thỉnh giảng từ các trường công lập. Nói như PGS Võ Văn Sen: "Bây giờ mà các trường công chỉ cần ngồi lại với nhau không cho giảng viên đi dạy các trường dân lập thì các trường này lập tức khủng hoảng liền"[5].
Tình trạng này dẫn đến hiện tượng "chạy sô" trong giảng dạy ĐH. Tuy nhiên, phần lớn những người "chạy sô" là các giảng viên trẻ, thiếu cả chuyên môn, kinh nghiệm và kỹ năng, cũng như chất lượng đầu vào thấp của sinh viên dẫn đến hiện tượng dạy kiểu "cơm chấm cơm" cho hoàn thành hợp đồng của các "thợ dạy" với trường ĐH thuê khoán.
Bên cạnh đó, do không mời được những người dạy có trình độ, kỹ năng từ các trường ĐH lớn, để có thể tự chủ về giảng viên, các trường ĐH ngoài công lập tuyển dụng ồ ạt giảng viên trẻ và mời giảng viên thỉnh giảng từ các Viện nghiên cứu (những người mà trình độ chuyên môn chưa cao và chưa có nghiệp vụ sư phạm).
Chính sự buông lỏng về tuyển dụng, cũng như không kiểm soát được chất lượng giảng dạy đã hình thành nên các "thợ dạy" không chuyên trong trường ĐH.
Giảng viên trẻ không thể đầu tư chuyên môn: Không riêng gì các trường ĐH ngoài công lập, đáng tiếc là ngay trong các trường ĐH công lập (thậm chí là các trường lớn) cũng xảy ra hiện tượng giảng viên "cơm chấm cơm". Hình thành nên những lớp "thợ dạy" mới trong các trường ĐH.
Với cơ chế quản lý GD và khoa học như quản lý hành chính, chế độ lương bổng không đảm bảo đời sống của giảng viên ĐH khiến cho những người giỏi, có trình độ chuyên môn cao bỏ trường ra ngoài. Thậm chí cả những người sử dụng ngân sách Nhà nước đi đào tạo sau ĐH ở nước ngoài.
Một thực trạng khác là những người có học hàm học vị cao, có thâm niên và kinh nghiệm thường ngồi ở các vị trí quản lý, chủ yếu tham gia giảng dạy và hướng dẫn sau ĐH. Chính vậy, họ không có thời gian để giảng dạy ĐH.
Một Phó GS, đồng nghiệp của người viết bài, kể một câu chuyện trong khoa của anh: Có một sinh viên được giữ lại trường, sau sáu tháng tập sự đã được phân công dạy... năm môn học, mỗi học kỳ phải đảm nhận dạy trung bình hai môn học.
Cậu giảng viên trẻ này lấy bài giảng của những người đi trước soạn lại trên PowerPoint và dạy theo kiểu đọc chép. Một hôm lớp học mất điện, cậu ta cho sinh viên nghỉ với lý do không có máy chiếu không dạy được. Câu chuyện này có lẽ trường ĐH nào cũng gặp?
Khi khối lượng giảng dạy ĐH dồn lên vai lớp giảng viên trẻ, những người được giữ lại từ các sinh viên xuất sắc của các khóa học (thậm chí còn chưa được học sau ĐH), đã khiến họ trở thành những "thợ dạy" mà chưa kịp hình thành trong đầu khái niệm "thầy dạy".
Trịnh Xuân Báu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét