Chuyện về thầy Đỗ Việt Khoa bây giờ mới kể xong


Tác giả: THẢO DÂN
Bài đã được xuất bản.: 25/05/2010 06:00 GMT+7
Cuộc đời thầy Đỗ Việt Khoa đã làm nên hai sự kiện. Nhưng cả hai sự kiện ấy ngẫm đi ngẫm lại đều là những sự kiện buồn. Ngành giáo dục có thay đổi được gì đáng nói sau sự kiện thứ nhất thầy Khoa làm nên hay không? Tôi không dám chắc. Nhưng cuộc đời thầy Khoa thì thay đổi, nhưng là một thay đổi buồn…
Thầy Khoa đã dũng cảm lên án những "phần tối" trong nhà trường. Hồi đó, nhiều người cứ tưởng ngành giáo dục nhân cơ hội ấy mà dọn dẹp căn nhà có không ít nhếch nhác và bừa bộn của mình. Thế nhưng, ngày tháng cứ trôi đi, mọi chuyện trở lại yên ắng như không gian "bình yên" sau một tiếng nổ.
Ngay từ ngày ấy, không ít người có suy nghĩ cẩn trọng đã dự báo rằng: những động thái của ngành giáo dục đối với thầy Khoa chỉ là một cách đối phó và lựa theo dư luận chứ không phải muốn thay đổi thực sự. Bởi ngày ấy, sự kiện thầy Khoa là một "quả bom" làm chấn động dư luận.
Đến ngay cả một giáo sư danh tiếng và cẩn trọng như giáo sư Văn Như Cương cũng tuyên bố sẵn sàng bảo vệ thầy Khoa đến như thế cơ mà. Rồi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã về thăm thầy Khoa. Rồi các phương tiện truyền thông vào cuộc rầm rộ. Còn các giáo viên thì chỉ lấy sự kiện của thầy Khoa mà bàn tán, tranh cãi với người khen, kẻ chê... tán loạn.
Thầy Khoa đã dũng cảm lên án những "phần tối" trong nhà trường. Ảnh VTV3
Hầu như tất cả chúng ta bị sự kiện thầy Khoa cuốn đi và không làm sao cưỡng nổi. Nó cho thấy ngành giáo dục đã xuống cấp đến mức nào. Nó cho thấy xã hội muốn có một cuộc cách mạng đối với ngành giáo dục nước nhà. Nhưng hình như kết quả từ sự dũng cảm của thầy Khoa chỉ có tác dụng làm cho truyền thông "bốc" lên. Việc "bốc" lên của truyền thông cũng chẳng có gì lạ vì đó chính là một trong những đặc điểm của nó.
Thế rồi đến bây giờ, thầy Khoa lại làm ra sự kiện thứ 2 khi thầy buồn bã và có phần tủi thân thông báo sẽ rời bỏ ngành giáo dục vĩnh viễn. Sự kiện lần này không "nổ to" bằng sự kiện lần thứ nhất nhưng nghe cay đắng và ê chề hơn.
Nhưng cay đắng và ê chề hơn cho thầy Khoa khi xã hội nghe giáo sư danh tiếng Văn Như Cương chối từ không nhận thầy Khoa vào trường mình nữa cho dù thầy Khoa chưa chắc có ý định đó. Có một người bạn học thân thiết của thầy Khoa đã khóc như một nỗi tủi hổ khi đọc những lời của giáo sư Văn Như Cương trả lời báo chí và nói kỹ đến mức phũ phàng về thầy Khoa.
Anh thương bạn mình quá. Cho dù có những lúc anh đã tâm sự và khuyên thầy Khoa không nên làm thế này hay chỉ nên làm thế kia. Anh hiểu bạn mình có lúc đã không nhìn nhận vấn đề thật thấu đáo. Anh cũng hiểu bạn mình quả thực bị dư luận xã hội lúc đó có lúc làm cho "choáng váng".
Nhưng anh hiểu bạn mình đấu tranh từ những ngày đầu là xuất phát từ sự chân thành và không thể đứng nhìn những trò phi giáo dục trong ngành giáo dục. Anh nói thầy Khoa không ảo tưởng gì về mình như lời giáo sư danh tiếng Văn Như Cương nói mà thầy Khoa cứ tưởng hầu hết những người trong xã hội ủng hộ thầy, đứng về phía thầy bởi những lợi ích cho chính con em họ hay vì lợi ích cho xã hội.
Thế là thầy Khoa lao vào chiến đấu với những gì mà cá nhân thầy cho rằng những cái đó đang nguy hại cho ngành giáo dục. Thầy Khoa cứ tin rằng phía sau mình là cả một biển người đi theo thầy. Nhưng thực ra người ta chỉ đứng xem thầy như một sự tò mò. Chỉ có rất ít người thực sự ủng hộ thầy mà cũng lo cho thầy. Và đếnkhi chiến đầu mãi không giành được chiến thắng, thầy Khoa quay lại và bắt đầu thấy hoang mang.
Cuối cùng, thầy tự đầu hàng. Cứ cho là những lời nhận xét của giáo sư danh tiếng Văn Như Cương là đúng thì có nên nói ra như thế không về một người là thầy Khoa đã phải dùng đến hạ sách cho cuộc đời mình.
Người bạn của thầy Khoa hiểu rõ rằng: nếu thầy Khoa có ảo tưởng bởi báo chí tung hô quá mức hay Người đương thời gì đó thì trong đó có cả sự ảo tưởng đến từ sự bênh vực của một người danh tiếng chính là giáo sư Văn Như Cương. Tìm hiểu ra mới thấy giáo sư Văn Như Cương là một trong những người làm thầy Khoa tin tưởng mãnh liệt nhất. Bởi thầy Khoa vô cùng kính trọng giáo sư và hoàn toàn tin sự lên tiếng sẵn sàng nhận thầy Khoa đã làm thầy Khoa như bị "sốc" thuốc.
Không phải thầy Khoa tin vào việc giáo sư danh tiếng Văn Như Cương nhận thầy Khoa khi có mệnh hệ nào để mình vẫn có việc làm mà nuôi con, mà thầy Khoa tin vào việc mình đấu tranh là hoàn toàn đúng. Cũng như những món quà tặng hay bằng khen thì không phải là bằng khen hay quà mà là lòng tin của thầy Khoa vào việc làm của mình và tin vào xã hội quanh mình.
Nhưng sau những ngày "thăng hoa", những người đứng về phía thầy Khoa và lên tiếng về ngành giáo dục dần dần rút lui và để lại trận chiến cho một kẻ duy nhất là thầy Khoa. Thế là thầy Khoa chẳng biết "kẻ thù" của ngành giáo dục đang ở phía nào. Thầy Khoa những ngày tháng sau đó giống như một người lính chẳng có người chỉ huy. Nhưng trong lúc đó, quanh thầy đầy tiếng la ó, tiếng dọa dẫm của "kẻ thù". Vì thế, thầy Khoa có hoảng hốt mà "bắn" loạn xạ âu cũng là chuyện dễ hiểu.
Lúc đầu tôi cứ nghĩ sự kiện đầu của thầy Khoa đã kể xong câu chuyện về ngành giáo dục và về xã hội chúng ta. Nhưng đến khi sự kiện thứ hai của thầy Khoa xẩy ra thì mới ngã ngửa người ra rằng: câu chuyện về thầy Khoa bây giờ mới kể xong.
Vâng câu chuyện đã kể xong. Nghe mà buồn thấu ruột. Nghe mà ứa nước mắt về nhiều chuyện. Không biết thầy Khoa và những người hiểu đúng câu chuyện này sẽ buồn đến khi nào?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét