"Người hùng" xin nghỉ việc và lời hứa sau 4 năm

Sau 4 năm nổi đình nổi đám với cuộc chiến chống tiêu cực trong thi cử và những bất cập của ngành giáo dục, đầu tháng 5/2010, thầy Đỗ Việt Khoa, giáo viên trường THPT Vân Tảo đã chính thức có đơn xin nghỉ việc gửi Ban Giám hiệu nhà trường và Sở GD &ĐT Hà Nội. Ngay lập tức, câu chuyện liên quan đến người đương thời này lại nóng lên hơn bao giờ hết. Trên báo chí, PGS. Văn Như Cương, người cách đây 4 năm từng tuyên bố, nếu thầy Khoa bị mất việc vì chống tiêu cực, ông sẽ nhận thầy Khoa vào làm việc, thì nay PGS. Văn Như Cương lại phải "phân tích" rằng: mất việc khác với xin nghỉ việc. Phóng viên ĐS &PL đã có cuộc trao đổi với hai nhân vật này để tìm câu trả lời cho một kết cục.
Thầy Đỗ Việt Khoa: "TÔI CHÁN CÁI CHUYỆN TIÊU CỰC NỌ KIA LẮM RỒI!"
Xin cho biết, thầy chính thức viết đơn xin thôi việc khi nào?
Tôi đã gửi đơn xin nghỉ việc đề ngày 8/5/2010 cho Ban Giám hiệu trường THPT Vân Tảo và Sở GD &ĐT Hà Nội. Đến ngày 27/5 tôi được đồng chí kế toán nhà trường trao tận tay thông báo của Sở GD &ĐT Hà Nội do Trưởng phòng Tổ chức Phạm Minh Trang ký, với nội dung thông báo đã nhận được đơn xin nghỉ việc của tôi và sẽ xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.
Xin hỏi thầy, 4 năm trôi qua thế nào, kể từ khi thầy bắt đầu đấu tranh chống tiêu cực trong giáo dục?
Tôi thấy tôi bị trù dập suốt 4 năm trời. Suốt 4 năm, tôi chịu nhiều cay đắng lắm. Thực ra, tôi và ông hiệu trưởng cũ cũng không có mâu thuẫn gì cả. Chính ông hiệu trưởng mới thì lại hay đe doạ, đe nẹt và trù dập tôi.
Sau ngày 8/5/2010, ngày 24/5/2010 tôi cũng đã gửi thư cho Bộ trưởng Bộ GD &ĐT. Trong thư tôi nêu ý kiến rằng, trong thời gian qua, Đỗ Việt Khoa không xin Bộ trưởng điều gì, nay tôi chỉ xin Bộ trưởng cho Thanh tra Bộ giải quyết những vấn đề tồn tại của trường Vân Tảo. Theo Luật Khiếu nại Tố cáo, cấp Sở chưa giải quyết được thì cấp Bộ giải quyết. Bản thân tôi đã rất kỳ vọng trong việc sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội, để giải quyết những tiêu cực tồn tại. Tuy nhiên, trên thực tế, tôi đã rất thất vọng. ở Hà Tây cũ, tôi cứ lên Sở là gặp được giám đốc để bày tỏ nguyện vọng, nhưng ở Hà Nội, tôi có gọi hàng trăm cuộc điện thoại, lên cả Sở đăng ký, cũng bị từ chối không cho gặp, nên tôi rất chán nản.
"Tôi sụp đổ cả hi vọng"
Dư luận đang rất quan tâm đến lời hứa của PGS Văn Như Cương với thầy cách đây 4 năm. Nếu nghỉ việc, thầy đã có dự định gì chưa?
Thú thực mà nói, tôi cũng có dự định xin vào trường nào đó dạy, để tập trung vào chuyên môn, "vĩnh biệt" câu chuyện đấu tranh chống tiêu cực. Xin tiết lộ với anh "bí mật" này nhé, cách đây 8 tháng, tôi có gọi điện thoại cho thầy Văn Như Cương về việc xin đi làm, thầy Cương có bảo ừ. Nhưng mấy ngày qua, đọc báo, tôi thấy thực sự rất sốc, không ngờ thầy lại trả lời như thế. Tuy nhiên, tôi cho rằng, lỗi này cũng không thuộc về thầy, mà do nhiều tác động khác. Thứ nhất, những thông tin về việc chống tiêu cực của tôi với thầy Cương bị thiếu. Thậm chí không chính xác. Nhiều người cho rằng, tôi làm "nghề" kiện cáo, nhưng xin nói, tôi chả có thời gian mà làm điều đó đâu. Tôi chỉ đấu tranh để bảo vệ lẽ phải thôi. Còn công việc, tôi cũng phải chủ động đối phó, chứ cứ ngồi đấy để họ dìm mình à? Thứ hai, do thiếu những thông tin như vậy, các thầy sẽ có suy nghĩ về tôi chưa chuẩn lắm. Song thực sự mà nói, qua đó tôi cũng vỡ ra nhiều điều. Mặt khác, tôi nghĩ thế này, thời điểm năm 2006, tôi là người trực thuộc Sở GD &ĐT Hà Tây cũ quản lý. Lúc đó, thầy Văn Như Cương là người do Sở GD &ĐT Hà Nội quản lý. Từ năm 2008, Hà Tây nhập về Hà Nội, tôi không hiểu thầy Văn Như Cương có đủ dũng cảm để nhận tôi vào làm việc không? Nếu thầy nhận tôi về, không khéo họ lại gây khó khăn cho thầy. Hoặc có thể có những chuyện khác nữa... Trường của thầy Văn Như Cương là trường tư thục, thu - chi còn gấp hàng trăm lần trường tôi ấy chứ.
Thầy có thể nói rõ hơn về cuộc trao đổi qua điện thoại với Phó Giáo sư Văn Như Cương 8 tháng trước?
Tôi có nói, nếu tôi nghỉ việc, tôi xin dạy thử ở trường của thầy Cương một thời gian. Nếu dạy thử mà thầy Cương chấp nhận được thì được, còn nếu thầy Cương nói chất lượng dạy kém, thì thầy Cương cứ việc sa thải. Lúc đó thầy Cương bảo ừ được. Tôi cũng tin tưởng thầy là như thế.
Bản thân thầy có nghĩ rằng 8 tháng trước, Phó Giáo sư Văn Như Cương đồng ý nhận thầy (nếu thầy nghỉ việc) là niềm tin mang tính cơ sở để thầy quyết định xin nghỉ việc ở trường Vân Tảo?
Cũng là một niềm tin. Đồng thời còn là một chỗ dựa tinh thần. Mặc dù mình biết có đi dạy thuê cho các thầy thì một buổi mình cũng chỉ được vài trăm nghìn thôi, chả giầu có gì. Đến giờ tôi muốn dừng hết mọi vụ việc lại, tập trung vào chuyên môn, lo cho con cho cái, cho gia đình. Tôi chán cái chuyện tiêu cực nọ, kia lắm rồi.
Tức là thầy đã sụp đổ niềm tin với tuyên bố của thầy Văn Như Cương 4 năm trước và cả cuộc điện thoại cách đây 8 tháng?
Tôi có thể nói, thầy Cương tuyên bố như thế trên báo chí là tôi sụp đổ cả hi vọng. Nhưng tôi nghĩ thế này, cho dù thầy Cương không nhận, hoặc rất nhiều trường không dám nhận tôi công tác, thì đó cũng chỉ là một sự thật cay đắng mà tôi phải chấp nhận.
“Nghe giọng nói thì biết tôi bình thường hay không bình thường”
Trên báo chí, PGS Văn Như Cương có nói thầy là người không bình thường. Thầy nghĩ sao về điều này?
Thầy Như Cương phát biểu câu ý, cũng như khối người phát biểu câu ý. Nhiều người, chứ không riêng gì thầy Cương nghĩ rằng tôi có gì không bình thường. Tự nhiên lại đi xin nghỉ việc. Họ sẽ nghĩ, chắc là tôi tự cao tự đại, hay làm cái gì đó tương tự. Nhưng nói thật, tôi có bình thường hay không, từ đầu đến giờ, trao đổi với tôi, anh có thể nhận ra. Anh nghe giọng nói của tôi thì anh cũng biết tôi bình thường hay không bình thường. Như tôi đã giải thích, do thiếu thông tin, do không biết tôi đã chịu nhiều trò, cũng như bao nhiêu khốn đốn, sự làm ngơ có hệ thống, nên cứ nói đến tôi là tưởng tôi tự cao tự đại. Cũng xin nói thêm, các thầy nghĩ tôi không bình thường cũng có thể là do tôi ứng cử đại biểu Quốc hội.
Có nhiều người cho rằng, PGS Văn Như Cương đã thất hứa với thầy. Là người trong cuộc, thầy có nghĩ như vậy?
Tôi nói lại quan điểm của tôi là tôi không trách thầy Văn Như Cương. Thầy Văn Như Cương là người thầy đáng kính trọng.
Thầy có cho rằng, PGS Văn Như Cương thất hứa, có hoặc không thôi?
Tôi cũng không khẳng định gì cả. Nói là thầy Cương thất hứa như báo chí lên án thầy Cương, như vậy là làm khổ thầy. Tôi chịu khổ nhiều rồi, đừng làm khổ thêm ai nữa. Để mình tôi chịu đựng.
"Tôi kiên quyết không rút đơn"
Mặc dù bị Giáo sư Cương từ chối, thầy cũng không oán trách gì?
Vâng. Tôi chấp nhận điều đó!
Thầy sẽ vẫn kiên quyết xin nghỉ việc, hay sẽ rút đơn?
Tôi sẽ kiên quyết không rút đơn!
Xin hỏi thầy, thực chất lý do thầy xin nghỉ việc là gì?
Tôi cho anh chị xem luôn đơn xin nghỉ việc. Lý do tôi đã nêu rõ, tôi đã nhiều lần tố cáo việc làm của ông Lê Xuân Trung - Hiệu trưởng trường THPT Vân Tảo và các cá nhân liên quan từ năm 2007 đến nay. Tuy nhiên, Sở GD &ĐT Hà Tây cũ, và nay là Sở GD &ĐT Hà Nội đã cố tình kéo dài việc thanh tra và bao che sai phạm. Họ đã ra kết luận hết sức sai trái. Đồng thời, trong đơn xin nghỉ việc tôi cũng ghi rõ rằng: "Sai phạm có hệ thống, có tổ chức không bị xử lý khiến tôi mất niềm tin vào lãnh đạo Sở Giáo dục & Đào tạo và các cấp. Bầu không khí trường tôi vô cùng đen tối, gian dối. Sức chịu đựng của tôi có hạn...".
Xin cảm ơn thầy!
Phó Giáo sư Văn Như Cương: "TÔI CẦN THẦY GIÁO TẬN TÂM, CÒN THẦY GIÁO "ANH HÙNG" THÌ KHÁC..."
Bị đuổi việc thì nhận, tự xin nghỉ việc thì...
Phó Giáo sư Văn Như Cương
Thầy đã có những thông tin gì về việc thầy Đỗ Việt Khoa xin nghỉ việc?
Tôi cũng chỉ biết thầy Khoa đã viết đơn xin nghỉ việc. Nhưng trước tiên, và thực tâm mà nói, tôi vẫn muốn thầy Khoa đừng xin nghỉ việc
Thưa thầy, có phải thầy đã không đồng ý nhận thầy giáo Đỗ Việt Khoa vào làm việc trong trường do thầy làm hiệu trưởng?
Trong phát ngôn của tôi cách đây 4 năm, cần nói cho rõ là như thế này, nếu vào thời điểm đó, cách đây 4 năm, lúc thầy Khoa bắt đầu tuyên chiến công khai với các tiêu cực trong giáo dục, mà chỉ vì thế thầy Khoa bị đuổi việc, tôi sẽ nhận thầy Khoa vào trường tôi làm việc. Tôi xin nhấn mạnh là bị đuổi việc vì đấu tranh chống tiêu cực thì tôi nhận vào làm việc, chứ không phải xin nghỉ việc ở đó thì tôi nhận vào làm việc. Bị đuổi việc vì đấu tranh chống tiêu cực và tự viết đơn xin nghỉ việc là hai việc hoàn toàn khác nhau. Thực ra, một người xin nghỉ việc ở cơ quan này, đến làm việc ở một cơ quan khác là điều hoàn toàn bình thường thôi, không có gì là quá đặc biệt cả.
Thầy có bực mình khi bị coi là người thất hứa không?
Tôi thấy bực mình và buồn cười khi người ta nói thế. Tôi xin đặt vấn đề như thế này, nếu anh yêu một cô gái và nói anh sẽ cưới em, trọn đời yêu em, nhưng sau một thời gian tìm hiểu, chứ chưa cần đến vài ba năm, anh thấy cô gái không đúng như yêu cầu của anh, không như anh nghĩ thì anh là người quân tử anh phải lấy cô ấy à? Và bây giờ, xã hội chúng ta cũng thế thôi, nhiều vấn đề có thể thay đổi quan niệm, quan điểm theo thời gian, chẳng lẽ vì thế ta sẽ trở thành thất hứa, không quân tử nhất ngôn à? Phải tuỳ vào từng thời điểm cụ thể. Quan điểm của tôi là như thế, mỗi một thời điểm có một cách nhìn nhận khác nhau. Tôi rất bực mình khi ai đó nói mình thất hứa. Tôi cho rằng họ đưa sự việc này lên để với động cơ này, động cơ khác, nói và chê trách tôi cũng chẳng sao. Tôi chỉ thấy buồn là người ta không xem xét kỹ vấn đề, thực chất như thế nào.
"Thầy Khoa không ngỏ ý xin về trường tôi"
Thầy Khoa nói rằng rất sốc khi thầy tuyên bố không nhận thầy ấy vào trường Lương Thế Vinh. Thầy nghĩ sao về điều này?
Điều ấy là tuỳ thầy Khoa nghĩ. Chưa bao giờ, ngay cả khi tôi nói nếu thầy Khoa bị đuổi việc, tôi có thể nhận thầy về trường. Tôi chưa bao giờ được nghe thầy Khoa ngỏ ý nói rằng là xin về trường tôi. Chưa bao giờ!
Nhưng thầy Khoa khẳng định, cách đây 8 tháng đã nói điều này với Phó Giáo sư?
Thầy Khoa không ngỏ ý về việc về trường tôi, mà có nói em về Hà Nội làm việc thì ý kiến của thầy như thế nào. Lúc đó tôi có nói nếu thầy có ý định về Hà Nội làm, tôi hoàn toàn có thể giới thiệu đến làm việc ở một trường nào đó. Lúc đó tôi sẵn sàng giới thiệu về trường Newton mới thành lập
Tôi còn có đọc ở đâu rằng, chính vì thầy Khoa tin tưởng ở tôi, thầy Khoa mới làm đơn xin nghỉ việc ở trường Vân Tảo. Và tôi tin rằng, chắc chắn thầy Khoa cũng cho là không đúng.
Vậy một thầy giáo phải đảm bảo những điều kiện nào thì sẽ được giảng dạy ở trường Lương Thế Vinh, thưa thầy?
Trường tôi mở ra là phải có thầy dạy, phải có học sinh. Điều kiện của tôi là kiểm tra chuyên môn, thầy giáo đó phải toàn tâm toàn ý làm việc, giảng dạy có chất lượng. Mọi ông hiệu trưởng đều có mong muốn như thế, không chỉ riêng cá nhân tôi. Còn một người có thể làm được việc này, việc khác ở đâu đó, nhưng có thể họ không dạy được thì sao? Tôi cần những thầy giáo tận tâm với học sinh chứ tôi không cần những thầy giáo anh hùng.
"Trường tôi không thiếu giáo viên"
Có ý kiến cho rằng trước đây thầy Khoa chống tiêu cực, trường Vân Tảo thuộc Sở Giáo dục Hà Tây quản lý, nhưng bây giờ sáp nhập về Hà Nội lại là trở ngại khiến thầy khó khăn khi tiếp nhận thầy Khoa?
Hoàn toàn không! Tôi xin nói lại, nhiều thầy về trường tôi, mà người ta nói vì hoàn cảnh thế này, thế kia phải bỏ việc và xin về giảng dạy tại Lương Thế Vinh, tôi vẫn xem xét và nhận vào giảng dạy, không có ảnh hưởng gì cả. Không phải do trường của thầy Khoa về Hà Nội thì tôi không dám nhận. Cũng không phải vì trường ấy trong phạm vi Hà Nội tôi nhận sẽ có vấn đề gì gay go với Sở. Trong quan niệm của tôi không hề có chuyện đó.
Hiện tại, thầy Khoa có được nghỉ việc hay không còn chờ vào quyết định của Sở Giáo dục. Nhưng giả định, nếu bây giờ thầy Khoa xin vào trường Lương Thế Vinh, thầy có nhận không?
Tôi sẽ kiểm tra như mọi người xin việc khác. Nếu có hồ sơ xin việc của một thầy giáo, mà trường tôi đang thiếu giáo viên môn này, tôi sẽ phỏng vấn, xem xét có đủ tiêu chuẩn không. Hoặc đơn xin dạy môn nào khác mà trường tôi đã đủ người, tôi có thể trả lời ngay hiện nay tôi chưa phỏng vấn được. Hơn nữa, nếu như trường tôi đang thiếu giáo viên, người nộp hồ sơ trước đủ năng lực mà tôi lại nhận người nộp sau thì điều đó không công bằng.
Vậy trường của thầy có thiếu giáo viên không?
Trường tôi không thiếu giáo viên!
Nếu thầy Khoa có đề nghị thầy giới thiệu cho một trường nào đó, thầy có sẵn lòng?
Tôi cũng có quan hệ với một số thầy hiệu trưởng, nếu tôi hỏi thầy hiệu trưởng này, trường kia, môn này (môn thầy Khoa dạy) có thiếu không thì tôi sẽ giới thiệu. Nhưng trường đó có đủ giáo viên rồi thì tôi cũng đành chịu. Tôi sẵn sàng tìm và giúp nếu thầy Khoa muốn dạy ở Hà Nội. Cũng có một vài thầy đến xin dạy ở trường tôi, nhưng do tôi không thiếu giáo viên dạy môn đó, nên tôi giới thiệu cho trường khác, bình thường thế thôi. Tôi cũng đã từng giới thiệu cho một vài thầy đến trường nọ, trường kia xin làm việc. Việc đó không có gì khó!
Xin cảm ơn thầy! 
Quang Trung - Hương Lan

PGS lừng lẫy Văn Như Cương thất hứa với thầy Khoa?
Cập nhật lúc 05:08, Chủ Nhật, 23/05/2010 (GMT+7)
,
- Dư luận vẫn chưa quên lời Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, ông Văn Như Cương khi khẳng định "sẽ nhận thầy Đỗ Việt Khoa về làm việc nếu thầy gặp khó khăn". Khi hay tin thầy Khoa sẽ nghỉ việc, trao đổi với VietNamNet chiều 21/5, ông Cương nói "bây giờ thì tôi không nhận thầy nữa vì nhận thức đã thay đổi".
a
PGS Văn Như Cương: "Về phía Bộ GD-ĐT lúc đó cũng hơi đề cao, tâng bốc quá hiện tượng đó bằng việc hết phần thưởng này đến phần thưởng khác..."(Ảnh K.O)
Lúc đó thầy về tôi nhận, còn giờ thì....
- Chắc ông đã nghe thông tin về thầy giáo Đỗ Việt Khoa bỏ nghề?
Có, tôi đã biết thông tin qua báo chí. Nhưng hình như chưa có đơn chính thức?
- Sở GD-ĐT Hà Nội chưa nhận đơn, nhưng thông tin ông Khoa nghỉ việc đến thời điểm này là chắc chắn. Vậy ông có thực hiện hiện lời hứa cách đây khoảng 3 năm là "sẽ nhận thầy Khoa về làm việc"?
Bây giờ thì tôi không nhận nữa, bởi nhận thức của tôi cũng đã thay đổi.
Năm 2006, thông qua báo chí tôi được biết thầy Khoa là người chống tiêu cực và được dư luận hưởng ứng.
Lúc đó, tôi có suy nghĩ "chuyện nhốn nháo trong thi cử thì thật ra ai cũng biết, nhưng để nói và có minh chứng bằng clip thì thầy Khoa là người đầu tiên".
Và tôi nghĩ, nếu vì chuyện chống tiêu cực mà nhà trường - nơi thầy Khoa công tác gây khó khăn cho thầy Khoa thì tôi sẵn sàng nhận thầy về.
Sau đó một thời gian thì có đồng nghiệp hỏi "thầy Cương đã nhận thầy Khoa về chưa?". Tôi nói "thầy Khoa có bị đuổi việc đâu...". Rồi qua theo dõi những việc thầy làm thì thấy thầy Khoa không được bình thường.
Ví như, việc thầy Khoa ứng cử đại biểu Quốc hội chẳng hạn. Có thể, thầy Khoa nghĩ sau vụ chống tiêu cực thi cử được Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đến nhà thăm và tặng bằng khen, được VTV làm chương trình "người đương thời"....nên đã đề cao mình quá?
Do đó, bây giờ thì tôi không nhận thầy về làm việc nữa.
- Vì sao ông có suy nghĩ là thầy Khoa không bình thường?
Qua một thời gian, tôi hiểu rõ hơn và có suy nghĩ thầy Khoa là người không bình thường cả về tư duy, nhận định và đánh giá mình. Trong đó, đánh giá mình rất quan trọng đối với một thầy giáo biết mình, biết người.
Việc chống tiêu cực đó thì tốt quá rồi. Nhưng đó không phải là lý do để tự cho mình là người có một uy tín nào đó hay một thành công nào đó. Việc ứng cử viên đại biểu Quốc hội thì cũng khuyến khích - đó là người phải biết mình có thể cống hiến được gì hay có thể làm được gì.
Nhưng cách làm của thầy Khoa thì nói thật tôi cũng hơi thất vọng. Vì sao ở trường thầy bị cô lập, giáo viên ở trường không trao đổi với thầy bởi bao giờ trong túi thầy Khoa cũng có một cái máy ghi âm. Nên nói gì thầy ghi âm được hết nên ai cũng ngại. Vì giáo viên nói chuyện với nhau đôi khi cũng có những chuyện sơ hở.
- Vì lý do "nhạy cảm" đó mà ông bỏ ý định nhận thầy Khoa về làm việc?
Ý của tôi là không nên vùi dập những con người dám đứng lên đấu tranh nếu ông Hiệu trưởng ấy, tập thể giáo viên ấy thấy đây là điều tốt thì sửa chữa. Còn nếu mà vì lý "đấu tranh thì tránh đâu" thì tôi sẵn sàng nhận thầy để giúp thay đổi nhận thức.
Nếu lúc đó thầy về tôi sẽ nhận. Và lúc đó, tôi cũng chưa nói là nhận thầy về dạy môn gì, bởi theo nguyên tắc của trường là phải kiểm tra chuyên môn. Có thể nhận thầy về làm những công việc khác để cho thầy có một chỗ đứng nếu Trường THPT Vân Tảo đuổi thầy lúc đó. 
Ở trường tôi, các thầy không ủng hộ cách làm của thầy Khoa
- Thực ra, đuổi việc ngày lúc đó như ông phán đoán để nhận thầy ngay lúc đó sẽ không thể xảy ra mà phải có một quá trình làm cho nản, chán...Nếu ông là lãnh đạo Trường THPT Vân Tảo, ông sẽ làm thế nào?
a
Trường THPT Vân Tảo
Câu nói của tôi "nhận thầy về làm việc" chỉ có giá trị ở thời điểm đó thôi.
Nhưng với thời gian 3 năm thì tôi đã có nhận thức khác. Nếu thời điểm đó thầy Khoa khó khăn quá vì trường gây khó khăn thì tôi đã nhận rồi...
Tôi không hiểu nội tình cụ thể, nhưng ông Hiệu trưởng của Trường THPT Vân Tảo đã thay mới thì tôi nghĩ một người nhận nhiệm vụ mới chắc chắn không theo vết xe cũ là trù dập nhân viên, nếu trước đó có hiện tượng trù dập.
Tôi nghĩ Hội đồng trường đó, ông hiệu trưởng ấy có xác định thái độ làm việc sẽ khác, nhưng tại sao vấn đề diễn ra vẫn phức tạp, căng thẳng vẫn xảy ra? Tôi chưa biết nguyên nhân do đâu nhưng theo tôi nghĩ từ phía thầy Khoa nhiều hơn.
Qua một số công việc thầy Khoa làm, tôi nghĩ thầy là một người không bình thường nên không được tập thể yêu mến.
Còn nếu tôi là Hiệu trưởng Trường THPT Vân Tảo thì mọi sự sẽ rõ ràng, công khai minh bạch. Thầy tố cáo gì tôi thì thầy cứ nói. Ban kiểm tra xuống thì tôi sẽ nói lại. Ban kiểm tra quyết định gì nếu sai tôi sẽ đấu tranh.
Tôi được biết, mấy lần thanh tra Sở GD-ĐT Hà Nội về trường làm việc và đã có kết luận, trong đó có một vài điểm tố cáo đúng nhưng có nhiều điểm thầy Khoa tố cáo không đúng. Dù không trực tiếp thanh tra nhưng thấy sở kết luận như thế thì cũng phải tin chứ. Chả nhẽ thanh tra sở lại vào hùa với trường để dọa ông Khoa?
- Theo ông thì khi thanh tra đưa ra kết luận thì cũng phải kèm theo đề xuất xử lý, kỷ luật hay khiển trách cả bên bị đơn và nguyên đơn. Nhưng kết luận chỉ đưa ra thế và không có động thái tiếp theo, khiến người tố cáo chưa tin vào cách làm?
Ban thanh tra của Sở GD-ĐT Hà Nội quyết định, trong những nội dung thầy Khoa tố cáo có một số điều đúng thì chắc chắn là sở phải uốn nắn rồi và trường phải hứa thực hiện.
Kết luận có nêu một số điều thầy Khoa tố cáo không đúng thì tất nhiên tố cáo không đúng thì phải chịu trách nhiệm.
Nhưng khi bản thanh tra này chưa xong thì thầy Khoa lại kiện tiếp thì phải còn thanh tra nữa, và cứ làm như thế thì chưa biết đến bao giờ...
- Ông không đồng tình với cách làm của ông Khoa?
Ở trường tôi, các thầy không ủng hộ cách làm của ông Khoa. Nhiều người cho rằng thầy Khoa dại.
- Nhưng nếu đặt vào vị trí người đi kiện thì ông có nghĩ đến tình huống: thanh tra vào cuộc cho có? Và ông nhìn nhận thế nào với kết cục của một người chống tiêu cực như thầy Khoa?
Cũng có thể đó là một tình huống, nhưng tôi vẫn nghĩ khi đã thay hiệu trưởng mới thì chuyện chèn ép sẽ không còn căng thẳng nữa.
Với thầy Khoa, tôi đánh giá cao vì thầy đã có được những dẫn chứng chống tiêu cực thi cử ở thời điểm nhiều người biết nhưng không ai dám nói.
Tuy nhiên, về phía Bộ GD-ĐT lúc đó cũng hơi đề cao, tâng bốc quá hiện tượng đó bằng việc hết phần thưởng này đến phần thưởng khác, rồi thầy lại lên "người đương thời" nữa...
Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến ông Khoa đánh giá mình không đúng.
- Cảm ơn ông!
  • Kiều Oanh (Thực hiện)
Những đợt "sóng nổi" tại Trường THPT Vân Tảo
Năm 2006, thầy giáo Đỗ Việt Khoa tố cáo tiêu cực ở Hội đồng thi tốt nghiệp Trường THPT Phú Xuyên A (Hà Tây cũ). Hiệu trưởng THPT Vân Tảo Từ Ngọc Lĩnh làm chủ tịch Hội đồng thi bị cách chức.
- Sở GD&ĐT Hà Tây (cũ) cử Phó phòng Giáo dục thường xuyên Lê Xuân Trung về làm hiệu trưởng Trường THPT Vân Tảo ngay sau đó.
- Sau hơn một năm giữ chức, Hiệu trưởng Lê Xuân Trung đã bị thầy giáo Đỗ Việt Khoa tố cáo nhiều sai phạm từ lạm thu, phạt HS nghỉ học. Tháng 12/2007, thanh tra Sở GD-ĐT Hà Tây về THPT Vân Tảo kiểm tra những thông tin tố cáo.
- Đêm 14/11/2008, bảo vệ THPT Vân Tảo là Trần Văn Xường và Nguyễn Văn Đông xông vào nhà chửi bới  và cướp máy ảnh của thầy giáo Khoa.
- Trưa 15/11, công an huyện Thường Tín tạm giam Trần Văn Xường vì hành vi cướp giật tài sản. Còn chiếc máy ảnh của thầy Khoa hỏng hoàn toàn do bị ném xuống mương nước cạnh trường
- Chiều 18/11, Hiệu phó THPT Vân Tảo Nguyễn Thị Hoa thừa nhận việc bảo vệ lăng mạ, hành hung và cướp máy ảnh của thầy Khoa là điều đáng tiếc.
- Chiều 22/11, Thanh tra Bộ Giáo dục đề nghị khẩn trương giải quyết dứt điểm vụ việc cũng như xem xét trả lời đơn thư tố cáo của thầy Khoa và báo cáo Bộ.
- Chiều 25/11, Công an huyện Thường Tín (Hà Nội) cho biết, đãkhởi tố vụ án và bị can Trần Văn Xường để điều tra về việc cướp tài sản của thầy Khoa.
- Ngày 26/11, Đỗ Việt Khoa tố cáo sai phạm của THPT Vân Tảo, nổi bật là việc thu tiền học thêm cao gấp đôi quy định, thu quỹ xây dựng trái phép...
- Ngày 27/11, Hiệu trưởng THPT Vân Tảo (Hà Nội) Lê Xuân Trung cho biết, việc trích phần trăm khoản thu của học sinh cho giáo viên chủ nhiệm là do Hội phụ huynh.
- Ngày 1/12, Thanh tra Sở GD-ĐT Hà Nội kết luận, trong số các nội dung tố cáo của thầy Khoa, có các nội dung đúng nhưng cũng có nhiều nội dung sai.
- Chiều 2/12, Thanh tra Bộ GD-ĐT khẳng định, Hội phụ huynh thu các khoản tiền liên quan đến giảng dạy là sai mục đích và hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm.
- Sáng 4/12, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT đã về trường Vân Tảo tiếp nhận đơn kiến nghị của thầy giáo Đỗ Việt Khoa.
- Năm 2009,  thầy Đỗ Việt Khoa vẫn đeo đuổi vụ việc để “trắng – đen, đúng - sai” được rõ ràng.
- Tháng 5/2010, thầy Khoa có ý định nghỉ dạy sau gần 20 năm đứng lớp.
guihuongchogio | 25 May, 2010, 18:32 | Nghĩ sao nói vậy | (3927 Reads)
Thưa thầy,
Khi gõ tên thầy với đầy đủ dấu tiếng Việt, trong vòng 0,41 giây, anh "Google" cho 7,690,000 kết quả. Theo Wikipedia, " Văn Như Cương (sinh 1937) là một nhà giáo Việt Nam, nhà biên soạn sách giáo khoa phổ thông và giáo trình đại học bộ môn hình học, Ủy viên Hội đồng giáo dục quốc gia Việt Nam. Ông là một Tiến sĩ toán học, được phong học hàm phó giáo sư. Nhiều bài báo có ghi ông là Nhà giáo Nhân dân, tuy nhiên ông đã chính thức phủ nhận việc ông có danh hiệu này. Ông là người đầu tiên lập ra trường dân lập tại Việt Nam vào thời kỳ đổi mới [2] là trường trung học phổ thông Lương Thế Vinh-Hà Nội."
Năm 2001, con trai em thi tốt nghiệp trung học cơ sở với tổng số trên 50 điểm cho sáu môn. Cháu đỗ vào chuyên Pháp hệ B trường Amsterdam và hệ A trường Chu Văn An, nhưng em vẫn quyết tâm nộp hồ sơ cho cháu vào trường Lương Thế Vinh của thầy. Ơn giời, cháu đủ điểm vào lớp A01 – nghĩa là “chọn của chọn”. Tỷ lệ đỗ đại học ở các lớp này thường đạt từ 90 đến 100%. Đến tận thời điểm này, em chưa hề ân hận về quyết định đó của mình, mặc dù con trai em và các bạn nó luôn nói: “mẹ muốn biết về trường LTV thì phải hỏi con”. Gần đây nhất, khi cô bạn em nhờ tư vấn về các trường cấp 3 trong nội thành Hà Nôi, em lại khuyên cô ấy cho con thi vào Lương Thế Vinh. Kể dài dòng như vậy chỉ cốt để nói rằng em đã ngưỡng mộ và kính trọng thầy biết nhường nào.
Thưa thầy Văn Như Cương, cách đây vài ngày, báo chí lề phải và dân cư mạng rộ lên chuyện thầy Đỗ Việt Khoa xin nghỉ việc.  Sẽ chẳng có lý do gì để nhắc đến tên thầy trong “sự kiện ĐVK” nếu không có lời hứa của thầy cách đây bốn năm. Mặc dù đã xác định với báo chí sẽ “ở nhà giúp đỡ vợ chăm sóc, dạy 2 đứa con cho tốt, phụ vợ  đi chụp ảnh, cài đặt máy tính, internet”, nhưng em tin trong thâm tâm, thầy Khoa vẫn trông chờ vào sự ủng hộ của dư luận xã hội, của ban lãnh đạo Bộ GD-ĐT và cả của ông hiệu trưởng trường Dân lập danh tiếng LTV. Việc thầy Khoa lên gặp lãnh đạo Bộ GD-ĐT thông báo quyết định của mình được xem như cố gắng cuối cùng của người bơi ngược dòng đã đuối sức, hy vọng một chiếc phao sẽ được quăng ra trước khi bị dòng nước nhấn chìm.
Thưa thầy Văn Như Cương, thầy hoàn toàn có quyền rút lại lời hứa khi nhận thức của thầy về ĐVK thay đổi. Bốn năm đủ để cho một tân sinh viên trở thành cử nhân, đủ để cho một nghiên cứu sinh hoàn thành luận án tiến sĩ, và cũng đủ để cho một người từng ở vị trí “đương thời” ngã ngựa trở thành kẻ thất thế vì thiếu thức thời. Em và nhiều người có thể tin ĐVK đã quá ấu trĩ và ‘dại dột’ khi quyết định đơn thương độc mã chống lại tiêu cực trong thi cử của ngành giáo dục. Nhưng em không tin ĐVK “không bình thường cả về tư duy, nhận định và đánh giá mình” như thầy đã trả lời phóng viên Kiều Oanh trên báo Vietnamnet.
Nếu một diễn viên điện ảnh có thể ứng cử để trở thành tổng thống Mỹ như ngài Ronald Reagan, hay thống đốc bang California -  Arnold Schwarzenegger thì tại sao một giáo viên tâm huyết với nghề không thể tự ứng cử đại biểu quốc hội? một luật sư tài cao, học rộng như Cù Huy Hà Vũ không thể tự ứng cử vào vị trí Bộ trưởng? Nếu do “không bình thường” mà ngài luật sư CHHV phát đơn kiện Thủ tướng trong dự án Bô-xit, mà thầy ĐVK kiện BGH trường Vân Tảo vì những thu chi tài chính thiếu minh bạch thì em kính trọng lòng dũng cảm đến “bất bình thường” của họ.
Thưa thầy, thầy nói sở dĩ ĐVK bị bạn bè đồng nghiệp cô lập là vì anh luôn kè kè máy ghi âm và máy ảnh ở mọi lúc mọi nơi. Nếu phải sống ở môi trường mà đi chậm 2 phút sẽ không được vào họp Hội đồng; gọi hết hơi khản tiếng không thấy ai, nhưng chỉ vừa trèo qua cổng thì hai ông bảo vệ lập tức xuất hiện (như đã rình sẵn) áp tải đi trước con mắt của đồng nghiệp và học trò như một kẻ tội phạm thì liệu ĐVK có nên  tìm mọi cách để tự bảo vệ mình không? Bẫy giăng ra khắp nơi: từ nhà đến trường, từ cổng trường lên lớp. Sống trong môi trường như vậy mà ĐVK không bị “tâm thần” mới là chuyện lạ. Thầy tin rằng ĐVK “có vấn đề” bởi chẳng thể nào tất cả mọi người từ thanh tra của Sở tới bạn bè đồng nghiệp, từ ông hiệu trưởng cũ bị “gặp hạn” đến ông phó phòng giáo dục mới được điều về đều chống lại Khoa. Nếu phải bỏ ra ba chục triệu để “chạy” một suất biên chế trong hệ thống trường công; nếu phản đối cán bộ lãnh đạo sẽ bị trù dập, mất việc làm thì em tin khi ông hiệu trưởng gọi “con bò” là “giống lợn ăn cỏ”, đa số giáo viên cũng sẽ ồ à “lợn, lợn”. Người không đồng tình sẽ cúi mặt lặng thinh. Nếu ông hiệu trưởng trường Vân Tảo tổ chức bỏ phiếu “bất tín nhiệm” với ĐVK bằng cách giơ tay biểu quyết, em đồ rằng chẳng có ai dám cả gan ngồi im. Thầy từng là người tiên phong đi đầu trong việc mở trường Dân lập để được thực hiện ý tưởng của mình, sao thầy vẫn còn tin vào “tâm lý đám đông”?
Thưa thầy, trong bối cảnh giáo dục hiện nay, có 1001 lý do khiến các trường dân lập ngại nhận ĐVK. Họ bị áp lực từ phía các cổ đông, từ phía cha mẹ học sinh và cả từ phía báo chí. Bên cạnh những trường dân lập có chất lượng cao như LTV, Marie-Cuirie, Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) được “quyền” tuyển sinh ngang ngửa với hệ thống trường chuyên lớp chọn Amsterdam, Chu Văn An, chuyên Sư phạm, chuyên Tổng hợp… nhiều trường dân lập chỉ nhằm mục đích “trông trẻ” và “xóa mù” cho tất cả những “cậu ấm, cô chiêu” không có chỗ trong các trường công đúng tuyến và trái tuyến. Dù trường LTV của thầy được biết đến như một "trại lính" vì tính kỷ luật cao: Không có học sinh nhuộm tóc "hi-lite", móng chân móng tay tô vẽ, mặc áo hai dây, mặc quần trễ cạp tới trường; Nổi tiếng về nghiêm túc trong thi cử: đề thi kiểm tra 1 tiết, cuối học kỳ đều do các chuyên gia giáo dục soạn thảo; bài thi của học trò được giao cho một cơ quan độc lập đánh giá, cho điểm; bàn học được thiết kế như ở các nước phát triển, không có ngăn bàn để ngăn chặn quay cóp... thì các vị phụ huynh vẫn không muốn có thêm gánh nặng tâm lý cho con em mình khi có một vị “hắc tinh” của bệnh thành tích và những thói tiêu cực trong Hội đồng nhà trường. Các cổ đông sẽ không để cho ngài chủ tịch Hội đồng quản trị yên ổn khi “thượng đế” của mình ùn ùn kéo nhau đến chuyển con em mình sang trường khác. Nhận ĐVK, ông hiệu trưởng sẽ được báo chí tung hô như “người đương thời” một thưở, để rồi trường họ trở thành “điểm đến”cho những đoàn thanh tra giáo dục, của phóng viên hàng trăm tờ báo giấy và báo “net” với nhưng tiêu đề giật gân câu khách. Nhiều khi “cây muốn lặng mà gió chẳng đừng”. 
ĐVK đã mệt mỏi sau bốn năm làm chàng Đonkiôtê. Con gái anh từng không muốn nhận là “con bố Khoa”, vợ từng muốn dắt con bỏ đi khỏi làng vì sự ghẻ lạnh của đồng nghiệp của chồng và cộng đồng. “Tôi không xin nghỉ thì họ cũng sẽ cho thôi việc”. Theo pháp lệnh công chức, hai năm liên tục không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị buộc thôi việc. Đằng này bốn năm liền ĐVK là giáo viên duy nhất không hoàn thành nhiệm vụ. BGH trường Vân Tảo chưa buộc anh thôi việc chắc còn vì “nể người anh hùng” của ngài cựu bộ trưởng NTN. ĐVK đã tự nhận mình thua cuộc, đã buông xuôi mọi thứ. Đối thủ của anh phủi tay, thở phào nhẹ nhõm. Người khôn ngoan rút được kinh nghiệm cho mình, rút sâu vào trong vỏ ốc. Kẻ “non gan” từng ngấm ngầm ủng hộ anh nay lại ngấm ngầm đau khổ. Giáo dục nước nhà như cỗ pháo tuột dây đang trôi xuống dốc. Thêm một Tô Vĩnh Diện nữa hy sinh.
Thưa thầy Văn Như Cương, thầy hoàn toàn có lý khi không ném ra một sợi dây cho ĐVK lúc anh sắp trôi vào vùng nước xoáy. Nhưng giá như không có bài trả lời phỏng vấn của thầy trên Vietnamnet ngày 23 tháng 5 vừa rồi, số người cho rằng anh “dại dột” sẽ cao hơn số người bị thuyết phục rằng anh “có vấn đề về tâm thần”. Độc giả tin tưởng vào “vị Phó giáo sư lẫy lừng VNC” là chuyện đương nhiên. Chỉ có em tự nhiên lẩn thẩn, thấy như kẻ vừa bị ngã ngựa đã bị vó ngựa hất thêm xuống vực. Buồn!
Trackback URL: http://www.vnweblogs.com/trackback.php?id=233169

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét