Phần I: “ Để gió mang đi…” (TCS) ( Sưu tầm từ blog huynhlely)
“Hôm đó, ĐN bạn học tôi từ hơn 40 năm trước bất ngờ xuất hiện ở nhà tôi. Vẫn những nhân xưng đại từ của những ngày cùng nhau đèn sách , bạn tôi bảo: “ Tao vừa ở chỗ đám cưới của con Sếp cũ của mày nhưng lại là bạn học của vợ tao. Sếp của mày để tao ngồi cùng bàn với mấy thằng giúp việc cho nó ngày chúng mày còn cùng một hội đồng với nhau ở Trần Hưng Đạo. Biết tao cũng là giáo viên Địa bạn học của mày, mấy thằng “xù” tưng bừng luôn. Một thằng lùn lùn tướng tá như thằng hề chọc đểu: “ Sao bọn Địa Lý chúng mày lắm thằng điên thế! Điên đầu bảng là thằng Nguyễn Thượng Long, tiếp đến là thằng Đỗ Việt Khoa, rồi đến thằng EDU Lê Đình Hoàng ở Nghệ An, gần đây lại xuất hiện thêm thằng giáo viên Địa Trần Hồng Điệp nào đó là Chủ Tịch Công Đoàn ở TTGD TX Thanh Oai Hà Nội thì phải.”
Tôi nói với bạn tôi: Tao quá là thuộc đám này, cũng “Văn Học là Nhân Học” cả đấy. Với họ mà mang những “Lời thề Hypocrat” của sinh viên Y Khoa, lời nguyền: “Dù sao thì trái đất vẫn tròn và luôn tự quay quanh trục của nó” (Galile) của sinh viên Địa Lý…để giáo huấn cho họ là bằng thừa, tốt nhất cứ để cho dư luận thẩm định. Bạn tôi lại bảo: Tao nghĩ rằng, nếu người làm giáo dục còn có người tán thưởng những xuất ngôn vô lối như vậy thì ông Nguyễn Thiện Nhân có đưa ra “n lần Nói Không” nữa cũng sẽ là vô ích thôi. Việc ông buộc phải “cuốn cờ” cũng có lý do để thông cảm được. Tôi đã bảo bạn tôi: Trong “Vài lời cùng ông Giám Đốc Sở GD – ĐT Hà Nôi:Tao đã viết: “ GD – ĐT !…EM VẪN NHƯ NGÀY XƯA!”. Nói thế thì có gì đâu là một lộng ngôn!”
…Sau gần 4 năm rời xa bục giảng, chia tay với PHẤN TRẮNG - BẢNG ĐEN …những gì mà ĐN bạn tôi vừa nói đã gợi dậy trong tôi những xúc cảm hết sức âm tính. Tôi tưởng đã quyên đi được những gương mặt mà “Tiền Án - Tiền Sự” với GD phải nhiều không kém với tiền lương mà họ đã lĩnh. Thật sự đáng buồn cho Nghề Cao Quý là không thiếu những kẻ nhân cách thì tả tơi mà lại có sứ mạng đi hình thành nhân cách tử tế cho người khác!
….Câu chuyện của bạn tôi cũng gọi dậy trong tôi những kỉ niệm không thể nào quên được. Trong những điều không thể quên được đó, có câu chuyện tôi đã chủ động tìm đến để đứng bên Đỗ Việt Khoa vào những ngày Khoa thực sự là “Cừu non” trước nanh vuốt của toàn những “Bố Già - Mẹ Già mafia” đủ cỡ. Tôi rất yên lòng về những gì tôi đã chia sẻ cùng Đỗ Việt Khoa vào lúc xung quanh Khoa chỉ toàn là những FAN hâm mộ Khoa đến mê say! Tôi rất hài lòng về vai trò của tôi, một kẻ thất bại được MC nổi tiếng Tạ Bích Loan chọn làm phông, làm nền cho Khoa trong những lần Khoa xuất hiện cùng với cô trên chương trình NGƯỜI ĐƯƠNG THỜI lừng lẫy một thời.Tôi cũng không hối hận gì khi đã cảnh báo Khoa về những “Thông điệp là lạ! ” của một người làm Thầy cũng giỏi mà làm Thợ cũng tài. Con người đó có cái mũi cực kì nhậy bén khi phát hiện “Lá bài” Đỗ Việt Khoa ngay từ 2006 có thể sẽ mang lại cho doanh nghiệp của gia đình ông ta những gì?!. Và tôi cũng không hề bất ngờ về tiếng nghiến răng ken két của một thằng văn nô bồi bút nào đó gần đây ra đòn sau lưng Khoa khi viết:
“ Mày chỉ là thằng giáo viên xoàng thôi, vinh quang của mày đổi bằng bao nhiêu là vinh dự của người khác đấy, rồi mày sẽ phải trả nợ đủ.”
(Trích “Cỏ bệnh” - Truyện ngắn bôi nhọ Đỗ Việt Khoa lén lút phát tán ở THPT Vân Tảo Hà Tây cũ)
Có thể nói: Khi chưa một ai biết Đỗ Việt Khoa là ai thì Sở GD – ĐT Hà Tây ngày đó cũng đã vô cùng bẽ bàng trước dư luận cả nước vì phi vụ “Đào tạo Đại Học từ xa” (Đại Học “Đểu”) do những liên minh ma quỷ giữa Sở GD - ĐT Hà Tây và TTGDTX Huế tiến hành. Trả giá cho sự bẽ bàng này, Vị Giám Đốc cũ của Hà Tây bất ngờ bỏ lại toàn bộ đám đệ tử cật ruột, bỏ rơi các em út xồn xồn ngày đêm vây quanh ông ta, một mình một ngựa ông tháo chậy về “Tị Nạn”ở Bộ GD – ĐT của CHXHCN Việt Nam, sống nốt những ngày mùa đông của cuộc đời, trong “Ánh Đèn Xanh” của lãnh đạo Đảng, Chính quyền Hà Tây và tất nhiên không thể thiếu chữ OK của Cơ quan An Ninh Hà Tây giai đoạn đó. Có một thực tế không phải ai cũng biết, chuyên án GD – ĐT Hà Tây sẽ rất khó mà tiến hành nếu không có sự tiếp tay của những “Bố Già” nằm ngay trong cơ quan Sở, đó là Tr L… Phòng kế toán tài vụ và LXT chuyên viên Phòng PTTH (?!). Để lấp đi khoảng trống quyền lực khi vị Giám Đốc cũ của Hà Tây lâm nạn, Uông Đình Hồng - Cử Nhân Lịch Sử, Hiệu Trưởng Trường Đảng Hà Tây, lúc đó cũng đang khốn khổ vì đơn thư, tố cáo nặc danh của anh em trong trường đảng phát tán tứ tung khắp Hà Đông và vùng phụ cận… được Lãnh Đạo Hà Tây đưa về lèo lái “con thuyền” GD – ĐT đang tròng trành giữa sóng dữ.
Khi sự kiện Đỗ Việt Khoa nổ ra, GD ĐT cả nước như sống trong một cơn động đất nhiều độ Richte. Lần đầu tiên người ta đã chứng kiến cuộc ra quân hào hùng của đủ loại hình binh chủng thuộc truyền thông lề phải cả nước (Truyền thanh, Truyền hình, Báo giấy, Báo điện tử…). Người ta cũng quá dễ để nhận thấy bàn cờ GD Hà Tây buộc phải có những điều chỉnh để ứng phó với những gì mà theo họ là do Đỗ Việt Khoa gây ra. Từ Xuân Lĩnh Hiệu Trưởng THPT Vân Tảo, nguyên Chủ Tịch Hội Đồng thi hỗn loạn Phú Xuyên A (2005 – 2006) được ông bạn Thông Gia Uông Đình Hồng, tân Giám Đốc Sở GD – ĐT Hà Tây “Xử Lý” kỉ luật cho về TTGDTX huyện Chương Mỹ làm Giám đốc và ngày đêm tu luyện tiếng Bồ chờ tái xuất giang hồ ra nước ngoài làm chuyên gia thi cử cho lục địa đen khi có thời cơ thuận lợi.
Công bằng mà nói, sự kiện Đỗ Việt Khoa bùng nổ trong kì thi TNPT 2005/2006 chỉ làm khó chịu cho Giám Đốc Uông Đình Hồng cùng các thuộc hạ của ông ta ngày đó như Phạm Thị Hồng Nga, Nguyễn Văn Hiếu, Lê Thiết Hùng …chứ hoàn toàn chẳng hề đem lại cho họ bất cứ một xúc động nào. Để đối phó với tình hình mới,Uông Đình Hồng cắn răng chấp nhận buông mình để cơn bão nhất thời Nguyễn Thiện Nhân & Đỗ Việt Khoa cuốn theo chiều gió cùng những toan tính của ông ta. Để trám vào lỗ hổng quyền lực nơi Khoa đang công tác, để đặt “NGƯỜI ĐƯƠNG THỜI ĐƯỢC CẢ NƯỚC YÊU QUÝ NHẤT 2006” Đỗ Việt Khoa vào thế có đối trọng (?!), người hùng Lê Xuân Trung, chuyên viên Tiếng Nga của Sở đã được Uông Đình Hồng “Chấm” để đảm đương nhiệm vụ đặc biệt (!?). Nhiều học trò cũ của tôi trong Cơ Quan An Ninh & Truyền thông báo chí đã nói với tôi: Quyết định xử dụng con bài Lê Xuân Trung của Uông Đình Hồng lúc Khoa đang tiếp tục “Quậy” tưng bừng làm mất mặt lãnh đạo Sở không khác gì việc năm 2000 Trương Năm Cam đã điều Sát thủ máu lạnh Nguyễn Văn Hải tự Hải Bánh từ Hà Nội vào để thanh toán Nữ Quái Vũ Dung Hà lúc đó đang làm điên đảo giới giang hồ ở các thành phố phía nam đất nước đặc biệt là Sài Gòn.
Trong nhiều kịch bản đồn thổi về cú tấn phong “ Chú làm việc tôi yên tâm”giữa Uông Đình Hồng và Lê Xuân Trung trôi nổi trong dư luận Giáo Dục Hà Tây giai đoạn đó, kịch bản sau đây là kịch bản tôi thấy là có lý nhất :
“Hôm đó, vào cuối một ngày làm việc, Uông Giám Đốc điện mời Lê Xuân Trung vào phòng mình để nói chuyện. Trước đó trên mặt bàn kính nơi Lê Xuân Trung sẽ ngồi, Uông xếp kín là những đơn thư, tố cáo từ nhiều nơi gửi Sở tố cáo Trung những trọng tội khó có thể dung tha. Đúng giờ, Lê Xuân Trung xúng xính trong bộ đại cán mầu trắng cài khuy cổ rất nổi tiếng của các “Bố Già” Hồng Công, Đài Bắc, trễ tràng trên đôi mắt luôn luôn như thiếu ngủ là cặp kính mầu gọng vàng…Trung cười khẩy trước những gì mà Uông xếp đặt trên mặt bàn…” (!?)
Những gì thực sự đã diễn ra trong cuộc làm việc đặc biệt này đến nay vẫn là một ẩn số. Ngày hôm sau tôi có việc phải vào Sở, gặp tôi giữa sân cơ quan, Lê Xuân Trung tiến tới bắt tay tôi rồi vồn vã:
“ Xin chào Đại Ca ! Em sẽ về THPT Vân Tảo đấy! Đại Ca có dậy bảo gì em không? (Tôi chưa kịp nói gì thì Trung đã tươi cười trong cái nhìn xa vắng) “ Sẽ chỉ cần 3 năm là xong thôi. Xong việc em sẽ lại về Sở !?”
Tôi rất ngạc nhiên không hiểu vì sao mà Lê Xuân Trung lại có thể chia sẻ với tôi truyện động trời đó! Tôi ngờ ngợ & linh cảm thấy đằng sau những gì mà Trung nói là những gì vừa tàn nhẫn, vừa cay đắng và tâm thế Trung những ngày đó là bất an.
Cũng rất cần phải nói rõ, không đơn giản vì chỉ là sự chênh lệch tuổi tác mà giữa tôi và Lê Xuân Trung không có mối quan hệ bạn bè . Với tôi Lê Xuân Trung chỉ là một trong vô vàn những ngẫu nhiên trên đời mà tôi đã gặp. Điều mà Lê Trung hối hả nói “.. Chỉ 3 năm thôi là xong!...” và “…xong việc em sẽ lại về Sở…” cũng chẳng gây cho tôi một nỗi xúc động nào. Ngày đó việc tôi quan tâm nhất là tôi sẽ ra sao trong những ngày đông ảm đạm lúc đã “Rửa tay cất phấn”!
Sau này nghĩ lại tâm trạng & những lời mà Trung đã nói hôm đó, tôi thấy rất có lý. Hiệu Trưởng một trường PTTH quèn như Trường Vân Tảo, như THPT Trần Hưng Đạo nơi tôi đã từng công tác… không thể sánh được với chiếc ghế Trưởng phòng GD – ĐT Sở niềm mơ ước ngày đêm của biết bao nhà đầu tư trên thị trường chức quyền thời kỳ đó. Vả lại lúc đó việc ngồi vào chiếc ghế này đối với Trung là quá dễ. Điều mà Lê Trung nói với tôi càng có lý hơn khi thời điểm đó chưa một ai trong Sở GD – ĐT Hà Tây lại nghĩ đến một ngày nào đó Hà Tây lại bị xoá tên trên bản đồ Tổ Quốc và họ sẽ phải ngậm ngùi sống kiếp lưu vong trong ánh mắt khinh khi của các quý ông , quý bà Hà Nội.
Vài tháng sau, một lần tôi đến thăm Đỗ Việt Khoa, nhân tiện tôi rẽ vào Trường Vân Tảo. Phải công nhận rằng, khi Lê Xuân Trung về Vân Tảo, Trường Vân Tảo nhanh chóng có ngay chiếc cổng trường và một hệ thống tường rào thực sự hoành tráng để tất cả mọi truyện trong trường từ việc dậy đến việc hoc, từ việc cao đạo đến những việc thấp hèn, từ truyện SEX đến truyện thi cử sẽ hoàn toàn là “ TRONG ẤM NGOÀI ÊM!” bởi kín cổng cao tường,
sẽ không bao giờ có chuyện thi cử hở hang để không cho phép bất cứ ai diễn lại những gì mà Đỗ Việt Khoa đã từng làm ở Phú Xuyên A. Một bốt điện riêng cho nhà trường đã xuất hiện làm mấy ông Trương Tuần trong xã hết đường kiếm ăn. Một đội vệ sĩ rất xì ngầu trong bộ đồng phục rằn ri. Sau này chính những gã Comando này đã thực hiện lệnh của Lê Xuân Trung lạnh lùng tiến vào phòng họp hội đồng để kè hai bên rồi xốc nách lôi tuột Đỗ Việt Khoa ra khỏi cổng trường vì Khoa can tội vào họp muộn vài phút. Rồi cũng chính một gã cô hồn trong lực lượng này theo lệnh Lê Xuân Trung đến nhà Đỗ Việt Khoa đập phá, đe doạ cả nhà Đỗ Việt Khoa rồi thuổng luôn máy ảnh của vợ Đỗ Việt Khoa … (Xin đọc lại “Đỗ Việt Khoa – Anh hùng hay Tội đồ ?” (Nguyễn Thượng Long11/ 2008).
Ra tận cổng trường đón tôi hôm đó, thấy đám vệ sĩ đang vây xung quanh tôi và họ như bồn chồn chờ Trung ra lệnh, Trung lừ mắt bảo: “Đây là Đại Ca, các chú không được hỗn!”, rồi Trung kéo tôi lên phòng anh ta ở trên tầng. Tôi đã từng nhiều lần vào làm việc trong phòng Hiệu Trưởng của PTTH Lê Quý Đôn Hà Đông, thời của Hiệu trưởng Bùi Hoàng, Phòng Hiệu Trưởng của PTTH chuyên Nguyễn Huệ Hà Đông của ông Thái Công Bình, Phòng hiệu trưởng của PTTH Quang Trung của Bà Nghị 2 khoá liền Phạm Thị Hồng Nga …có thể nói ngay từ 2007, phòng làm việc của các nhân vật nổi tiếng trên phải gọi Phòng làm việc của Lê Xuân Trung bằng cụ về mức độ xa hoa! Sau một tuần trà nước, Trung kéo tôi đi suốt dọc hành lang các dẫy lớp học để Trung giới thiệu từng chiếc chậu cảnh đồ xộ mà Trung đã mua. Thỉnh thoảng tôi lại gặp một vài Giáo viên và học sinh đi lại, trên cổ mỗi người đều tòng teng thẻ cán bộ, thẻ học sinh có dán ảnh và tất cả họ đều thực sự phải khúm núm trước Lê Xuân Trung. Lúc tiễn tôi ra về, Trung rỉ tai tôi có vẻ bí mật lắm: Lần sau Đại Ca đến Đại Ca sẽ thấy em triển khai một hệ thống Camera theo dõi Giáo Viên và Học Sinh tại 100% các phòng học!
Phải nói rằng vào thời điểm 2006 – 2007 với kế hoạch mà Lê Xuân Trung đã rỉ tai tôi…thì Trung xứng là bậc thầy trong lĩnh vực bắt lỗi, thực ra là kìm kẹp, công khai hạ nhục Giáo Viên và Học Sinh Vân Tảo chứ đâu có phải chỉ có Đỗ Việt Khoa đi đâu cũng kè kè “Dế Con” ọ ẹ như những gì Lê Xuân Trung và Phó Giáo Sư Văn Như Cương cùng đám bồi bút vô liêm xỉ đang lợi dụng sự độc quyền của truyền thông lề phải mà gia tăng công suất bôi nhọ Đỗ Việt Khoa đến tàn tệ trên một tờ báo Lá Cải rất nổi tiếng.
Sau lần vào thăm Lê Xuân Trung mà tôi vừa kể, một thời gian sau thì xẩy ra vụ Đỗ Việt Khoa vì quá mất cảnh giác đến mức xập bẫy rượu đến thê thảm mà tôi đã viết lại trong ghi chép “Đỗ Việt Khoa – Anh Hùng hay Tội Đồ? ”.
Tháng 9/2007, giữa lúc cuộc vận động “Hai Không” đang diễn ra quyết liệt, tôi nhận Quyết định hưu trí mang theo biết bao những ám ảnh về ngành, về nghề mà tôi đã cả một đời dâng hiến. Trong ghi chép mà tôi vừa kể, có những tình tiết đến nay tôi vẫn chưa lý giải được. Hãy đọc lại một trích đoạn mà tôi đã ghi lại trong cái đêm hãi hùng đối với vợ chồng Đỗ Việt Khoa:
“…Dựng xe xong, tôi chậy bổ vào phòng Khoa thì thật sự sững sờ trước cảnh Khoa đang vật vã trong vòng tay người vợ trẻ. Bên cạnh giường là chiếc chậu nhôm để sẵn. Vợ Khoa nước mắt lưng tròng nói: Em khổ quá thầy Long ạ, không hiểu sao mà anh ấy lại ra nông nỗi này. Tôi chưa kịp hỏi han gì thì thấy Khoa co giật liên hồi rồi với lấy chiếc chậu nhôm dưới chân giường và thốc tháo trút ra những gì mà người ta vì “Yêu Quý” Khoa quá họ tẩm bổ cho Khoa cả một buổi chiều. Vợ Khoa chua chát chép miệng : Thầy Long ơi ! Rõ khổ cho anh ấy, toàn là tàn tích của cam. của ổi xanh thôi thầy ạ. Tôi bảo : Ói ra được như thế mới nhanh tỉnh em ạ. Em pha cho cậu ấy cốc nước chanh đi. Vợ Khoa chưa kịp đứng lên thì lại phải ôm chặt lấy chồng đang vừa giẫy dụa, vừa như kêu khóc trong trạng thái vô thức: “Anh Trung ơi! Anh hiểu sai về em rồi !”, “Em không phải là con người như thế!”. Có lúc Khoa lại nói sảng về một chủ đề rất lạ, lúc đó tôi không hiểu là chủ đề gì. Khoa ú ớ : “ Đừng thu tiền như thế nữa! Không thể… không được thu tiền như thế, nh.. ân …d…ân khổ…lắm!”. Tiêng Khoa như nức nở chìm lẫn trong những tiếng nấc, những tiếng oẹ khan. Tôi thật sự lúng túng, tôi không phải là dân nhậu, càng không phải là đệ tử của lưu linh nên chẳng biết cấp cứu cho người xỉn rượu là phải làm gì.
Tôi lặng lẽ bỏ ra ngoài bấm máy. Lần thứ nhất tôi bấm cho Giám Đốc Sở GD – ĐT Hà Tây Uông Đình Hồng, tôi thông báo cho ông ta tình hình rất xấu đang xẩy ra với Đỗ Việt Khoa. Thực ra với người khác tôi không làm phiền ông ta làm gì lại là lúc đêm hôm như thế này. Đây là ĐVK, nhân vật chống tiêu cực cả nước biết tiếng, “Vua chúa” biết tên! Nói dại chẳng may Khoa làm sao GD – ĐT Hà Tây biết nói gì với nhân dân cả nước? Ông Hồng trả lời tôi: Anh theo dõi tình hình của Khoa nhé và nhớ giữ liên lạc với tôi. Tôi cảm thấy ông ta có những lo lắng nhất định về việc này. Một lúc sau, có lẽ ông Uông đã nối máy được với Lê Xuân Trung, ông ta gọi tôi bằng một giọng lạnh lùng pha những bực dọc: “ Chuyện uống rượu là bình thường, có ai bắt cậu ấy uống đâu. Say rồi sẽ lại tỉnh, tỉnh rồi có lúc lại say có gì mà ông Long phải quá lo lắng như thế!?” rồi ông cúp máy tức thì. Tôi rùng mình thật không còn gì để mà nói nữa, thưa ngài Giám Đốc Sở GD – ĐT Hà Tây, cựu hiệu trưởng trường Đảng Hà Tây. Thôi thì nhân vô thập toàn, tôi quay ra bấm máy cho Phó Giám Đốc Sở GD – ĐT Phạm Thị Hồng Nga. Tôi vắn tắt mô tả những gì đang diễn ra trước mắt tôi lúc đó. Thú thực tôi rất sợ ĐVK rơi vào hôn mê sâu phải đi cấp cứu trong đêm thì rất nguy. Đáp lại lời thông báo của tôi, bà phó Giám Đốc xinh đẹp và dịu dàng như một Ma Sơ nghiêm nghị nói với tôi bằng một chất giọng lạnh lùng còn lạnh hơn cả cú điện thứ 2 của Giám Đốc Uông gọi tôi. Người đẹp chắc lúc đó đang ngon giấc nồng nàn bị tôi phá quấy nên sẵng giọng:” Việc tổ chức ăn nhậu bê tha đến say xỉn như thế này, anh hãy báo cho công an xã Vân Tảo thì hợp lý hơn, anh gọi cho em làm gì”. Nói đoạn người đẹp dịu dàng cúp máy. Em đã tàn nhẫn bỏ rơi ba chúng tôi đang bấn loạn trong cảnh ngộ này. Với tôi, đêm hôm đó “Thiên Thần” đã về trời rồi, thế gian này ô trọc lắm hay sao hỡi Ma Sơ! (Trích trong “Đỗ Việt Khoa – Anh Hùng hay Tội Đồ?
Ghi chép của Nguyễn Thượng Long tháng 11 – 2008)
Đọc lại những trang viết này, người ta thấy một Đỗ Việt Khoa thật thà, trong sáng và ngờ nghệch làm sao trước những kẻ thù tiềm ẩn của mình! Người ta thấy sự ơ hờ vô cảm đến lạnh lùng của trước hết là Hiệu Trưởng PTTH Vân Tảo Lê Xuân Trung sau là Giám Đốc Uông Đình Hồng & Phó Giám Đốc Phạm Thị Hồng Nga các nhà lãnh đạo cao nhất của GD – ĐT Hà Tây giai đoạn đó. Và lẩn quất đâu đó trong trích đoạn trên là một câu hỏi rất khó trả lời : Vì sao Uông Đình Hồng, Phạm Thị Hồng Nga, Lê Thiết Hùng, truớc đó là Nguyễn Văn Học, Lý Quốc Hào …đến nay là cả Nguyễn Thiện Nhân và Nguyễn Hữu Độ, Văn Như Cương cùng toàn bộ giáo viên, học sinh THPT Vân Tảo nhất nhất đều run sợ trước Lê Xuân Trung đến thế!? Người ta đồ đoán rằng Lê Xuân Trung là CON CHÁU CÁC CỤ CẢ thì phải !?... Truyện đó với tôi không còn là điều đáng quan tâm nữa. Chỉ buồn cho Uông Đình Hồng, đêm hôm đó câu trước ông ta còn bình tĩnh giao nhiệm vụ cho tôi phải săn sóc Khoa và giữ liên lạc với ông ấy vậy mà sau khi nghe Trung mắng mỏ thế nào ông ta lại phản thùng tôi và vợ chồng Khoa dữ dằn đến thế!?
Cũng ngay từ ngày tháng đó, trước hàng loạt những hiện tượng mất điểm của Đỗ Việt Khoa trước Lê Xuân Trung cùng lúc diễn ra những dấu hiệu lùi bước của Bộ Trưởng Nguyễn Thiện Nhân trước những tiêu cực của GD – ĐT nói chung và nói riêng với Cơ Quan Bộ…, tôi đã linh cảm thấy được, có một điều gì đó hết sức không bình thường đã âm thầm diễn ra trong những huyên náo mà ai cũng nhìn thấy. Hình như cuộc động đất trong GD – ĐT vào nửa cuối 2006 có tâm của chấn động không nằm trong các địa tầng của GDĐT! Đây là một “Cuộc Chơi” của các chính trị gia đang lên, đây cũng là phi vụ làm ăn của các tay áp phe Giáo Dục đang phất nhờ chủ trương xã hội hoá Giáo Dục của Đảng Cộng Sản. Họ rất cần có một thứ “Thiên Hạ Đại Loạn” để xác lập một trật tự mới theo lối Đại Trị mà họ muốn! Còn những chàng Donkihote như Nguyễn Thượng Long, Đỗ Việt Khoa, EDU Lê Đình Hoàng…chỉ là những quân cờ trên một bàn cờ thế để các tay anh chị khai thác mà thôi! Trong khi đó, bộ phận quan trọng nhất của GD là đội ngũ của những ông thầy thì lại hoàn toàn như án binh bất động. Người trực tiếp làm giáo dục, trực tiếp đối diện với thi cử như mấy ông giúp việc cho Sếp cũ của tôi mà ĐN bạn tôi nhắc tới ở đầu bài viết này lại chỉ là đi xem ông Khoa và ông Nhân chống gian dối trong thi cử, đi xem chống làm sai làm trái, đi xem chống tham nhũng chứ họ đâu có muốn chống!? Họ đâu có tâm thế của những người thực sự “Nói Không” như ông Nguyễn Thiện Nhân mong muốn. Những người làm Giáo Dục theo những luật chơi khắc nghiệt của CHỢ TRỜI mà lại “Nói Không…” và chống tiêu cực thật thì lấy gì mà thu nhập, khi mà ai cũng biết tỏng chẳng ai sống được bằng lương cả. Nếu hoàn toàn không có khả năng để thu hồi được vốn đầu tư!...chẳng một ai dám tham gia đấu giá ghế nọ ghế kia! Nếu vì NÓI KHÔNG…mà phải làm thật thì “ Tình… sẽ chỉ để cho không và biếu không…” tất chẳng có ai dại gì mang “Phẩm hạnh…”, mang “Cái Ngàn Vàng” của tạo hoá ký thác cho mình ra để đặt lên giường, để đổi chác!? Làm Giáo Dục trong thời @ không có truyện :
Khánh Ly: Sống ở đời cần nhất là điều gì?
Trịnh Công Sơn : Cần nhất phải có một tấm lòng!
Khánh ly: Để làm gì?
Trịnh Công Sơn : Để gió mang đi!.
Hết phần I
Hà Đông 30/5/2006
Nguyễn Thượng Long
Nguyên Giáo viên dậy Địa Lý của Giáo Dục Hoà Bình & Hà Tây
Nguyên Thanh tra chuyên môn kiêm nhiệm Giáo dục Hà Tây
Chỗ ở: Văn La – Phú La – Hà Đông – Hà Nội
Điện thoại: 0433521066 & 0953298198
Email: nguyenthuonglong571@gmail.com
Đón đọc: Phần II
“Cháy hết mình – Hoa Phượng
nhẹ nhàng rơi”(NTL)
(Về quyết định bỏ nghề của ĐVK)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét